Huy động nhiều, cho vay ít
Từ đầu năm đến nay, mặc dù lãi suất huy động giảm dần nhưng tốc độ huy động tiền gửi của nhiều ngân hàng vẫn tăng. Báo cáo kết quả kinh doanh của một loạt ngân hàng công bố gần đây cho thấy nhu cầu gửi tiền của người dân vẫn khá cao.
Tại hai ngân hàng thương mại nhà nước lớn hàng đầu là Vietcombank và BIDV, tốc độ huy động tiền gửi đều đạt gần 14%, tăng cao hơn nhiều so với tốc độ cho vay là 6,6% và 1,63%.
Tại ACB, mặc dù kết quả lợi nhuận không cao nhưng tốc độ tăng huy động vốn là 6,6%, cao gấp đôi tốc độ cho vay. Tại Sacombank, MB Bank, cũng là những ngân hàng thương mại cổ phần thuộc hàng top, tổng tiền gửi tăng lần lượt là 12,5% và 15,8% trong 6 tháng đầu năm. Ở nhóm ngân hàng nhỏ hơn, SHB có tốc độ tăng huy động tới hơn 20%. TP Bank huy động vốn tăng gần 9%.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tốc độ tăng trưởng huy động của toàn hệ thống trong 7 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 7%, trong khi tốc độ tăng tín dụng chỉ đạt là 3,68%, chưa bằng một phần ba kế hoạch năm 2014.
Huy động được nhiều mà cho vay được ít khiến các ngân hàng phải xoay sở tìm lợi nhuận ở các thị trường khác. Điều này lý giải việc dòng vốn ngân hàng đổ dồn vào kênh tín phiếu NHNN và trái phiếu chính phủ, mặc dù lợi nhuận lĩnh vực này không cao.
Theo công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), do khó khăn trong tăng trưởng tín dụng nên các ngân hàng tiếp tục đổ tiền vào kênh tín phiếu NHNN và TPCP, khiến giao dịch trên thị trường sôi động ở cả sơ cấp và thứ cấp trong tháng 7. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu cũng rơi mạnh khi nhu cầu lớn.
Thời gian tới, lợi nhuận của các ngân hàng từ thị trường này được dự đoán sẽ còn giảm nữa khi thị trường đang kỳ vọng lớn vào triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn của Việt Nam sau khi hãng Moody’s nâng hạng tín nhiệm, khiến lợi suất trái phiếu dài hạn sẽ còn giảm mạnh. Đồng thời lượng cung TPCP trong thời gian tháng 8 và tháng 9 tới cũng không còn nhiều.
Lãi suất có thể giảm 0,5 – 1%
Theo phân tích của BVSC, khi lợi nhuận từ kênh TPCP tiếp tục giảm, các ngân hàng thương mại sẽ phải cân đối giảm chi phí đầu vào bằng cách giảm lãi suất huy động hoặc tìm mọi biện pháp để kích thích tăng trưởng tín dụng.
Trong nửa cuối năm nay, sức ép đẩy mạnh tín dụng có thể sẽ gia tăng mạnh hơn đối với các ngân hàng phải hoàn thành các chỉ tiêu về lợi nhuận. Do đó, giảm thêm lãi suất cho vay là một giải pháp các ngân hàng có thể lựa chọn.
Do vậy, mặt bằng lãi suất cho vay có cơ sở để giảm thêm khoảng 0,5-1% trong khi trần lãi suất huy động có thể vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, các quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho từng kỳ hạn có thể diễn ra riêng lẻ, tùy thuộc vào khả năng cân đối vốn của từng ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng có thể đẩy mạnh phát triển các mảng tín dụng mới, đặc biệt là tín dụng cá nhân để bù đắp phần nào cho sự giảm sút của tín dụng doanh nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa thể cải thiện ngay, một phần do tổng cầu hồi phục chậm và công tác xử lý nợ xấu chưa có tiến triển đột phá. Thêm nữa, sau kỳ báo cáo vừa qua, nhiều ngân hàng đã có tỷ lệ nợ xấu vượt giới hạn 3%, khiến cho khối lượng nợ xấu mà VAMC cùng các ngân hàng phải giải quyết càng tăng thêm.
Với các cơ sở như lạm phát kỳ vọng sẽ có xu hướng giảm và ở mức khá thấp, nhiều khả năng lùi về 4,2% vào cuối Quý 3, Chính phủ và NHNN định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, thanh khoản hệ thống ngân hàng khá tốt nhưng tín dụng tăng trưởng thấp… BVSC nhận định rằng cơ quan điều hành cũng như các ngân hàng thương mại vẫn có dư địa để giảm nhẹ mặt bằng lãi suất. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chưa có nhiều khởi sắc, nhiều khả năng xu hướng giảm của lãi suất sẽ tiếp tục kéo dài cho đến cuối năm.