Bảo hiểm nông nghiệp cũng phát sinh dấu hiệu trục lợi

BHNN thực chất là bảo hiểm tương hỗ và việc triển khai thí điểm cũng vì mục tiêu ổn định, phát triển ngành nghề cũng như đời sống của nông dân.

Bảo hiểm nông nghiệp cũng phát sinh dấu hiệu trục lợi

Bảo hiểm Bảo Việt từng nghi ngại bị trục lợi bảo hiểm tôm nuôi tại Sóc Trăng và Bạc Liêu

Giám sát rủi ro và phòng chống trục lợi bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cần kịp thời chấn chỉnh là nội dung được đề cập đến nhiều nhất trong cuộc họp liên bộ giữa Bộ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh thực hiện thí điểm bảo hiểm thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra hôm 29/1 tại TP. HCM.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà, giám sát rủi ro và phòng chống trục lợi bảo hiểm là công tác có ý nghĩa then chốt trong việc bảo đảm ý nghĩa và sự phát triển bền vững của chương trình thí điểm BHNN. Nếu các Ban chỉ đạo BHNN địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm không nâng cao hơn nữa vai trò chủ đạo trong công tác thực hiện và nếu người dân không hiểu hết quy trình, nguyên tắc bảo hiểm dẫn tới thắc mắc, khiếu kiện kéo dài… sẽ cản trở việc triển khai mô hình trên diện rộng. Khi đó, người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người nuôi trồng thủy sản, khi không còn cơ hội được sử dụng phương thức bù đắp rủi ro tài chính tiên tiến, hiện đại này trong sản xuất.

Tại cuộc họp, liên Bộ cũng đã thống nhất các nguyên tắc và phương thức cụ thể để tiếp tục chỉ đạo thực hiện BHNN trong thời gian tới. Theo đó, ngoài việc tiếp tục kiên định tuân thủ nguyên tắc bồi thường theo thực tế thiệt hại của Luật Kinh doanh bảo hiểm, cần phải khẳng định trách nhiệm chủ đạo của các Ban chỉ đạo BHNN địa phương và các doanh nghiệp bảo hiểm. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ, tuy hành lang pháp lý cho hoạt động BHNN vận hành đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, nhưng vẫn cần có những chỉnh sửa để dễ áp dụng hơn vào thực tiễn. Trong thời gian tới, các điều khoản, quy tắc bảo hiểm sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng thắt chặt, đảm bảo việc thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, nhằm loại bỏ các tác động có thể dẫn tới động cơ trục lợi trong việc thực hiện BHNN tại các địa phương.

Còn nhớ, cách đây vài tháng, nghi ngại về hiện tượng trục lợi bảo hiểm thủy sản được Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đặt ra với người nông dân tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, khi doanh nghiệp này tham gia cung cấp sản phẩm bảo hiểm tại nơi đây.

Theo đại diện Bảo hiểm Bảo Việt, BHNN thực chất là bảo hiểm tương hỗ và việc triển khai thí điểm cũng vì mục tiêu ổn định, phát triển ngành nghề cũng như đời sống của nông dân. Mặc dù vậy, vẫn phát sinh cung cách làm ăn không sòng phẳng của “thượng đế” là người nông dân khi tìm cách tư lợi từ chương trình thí điểm này. Cụ thể, trong quá trình khai thác bảo hiểm, có dư luận lên tiếng về việc có dấu hiệu tiêu cực của nông dân khi gian lận số lượng con giống hay khi tôm thiệt hại nhưng không báo ngay mà kéo dài ngày nuôi để hưởng lợi bảo hiểm, khai thác bảo hiểm không đúng đối tượng…

Ngay sau khi nhận được thông tin về việc có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm tôm nuôi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Phùng Ngọc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm cùng với Bảo hiểm Bảo Việt đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo BHNN hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu về các nội dung trên.

“Nếu chúng ta không quyết liệt và không nêu rõ quan điểm của Nhà nước đối với việc thực hiện BHNN, thì không chỉ người dân mà các thành phần tham gia BHNN cũng dễ nảy sinh tâm lý ỷ lại cho bảo hiểm. Vì vậy, các Ban chỉ đạo phải mẫu mực, trung thực và nhiệt huyết để làm gương cho bà con noi theo”, ông Khánh khẳng định.

Chia sẻ với ĐTCK, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cũng cho biết, lần theo đơn thư khiếu kiện về việc người nông dân có hành vi gian dối để được bồi thường thiệt hại, Bảo Việt đã cử nhân viên đi điều tra và kết luận cuối cùng cho thấy, có những trường hợp không phải là trục lợi bảo hiểm thì bên bảo hiểm đã giải quyết bồi thường thỏa đáng theo quy định. Còn với trường hợp khẳng định rõ đó là hành vi gian dối thì bên bảo hiểm buộc phải từ chối bồi thường.

Hành vi trục lợi bảo hiểm không chừa  bất kỳ nghiệp vụ nào, kể cả BHNN. Ngay từ khi triển khai chương trình thí điểm BHNN, các bên liên quan cũng nhận diện, trục lợi bảo hiểm có thể diễn ra và coi việc quản lý, phòng chống hiện tượng trục lợi bảo hiểm chính là điều kiện tiên quyết để chương trình thí điểm BHNN thành công. Tuy nhiên, việc phòng chống trục lợi BHNN vẫn sẽ là chặng đường gian nan, bởi BHNN là một chính sách mới và có liên quan đến người nông dân, còn hạn chế về mặt nhận thức.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ĐTCK)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.