Một vài tín hiệu vui được chia sẻ tại Hội thảo “Phòng chống trục lợi Bảo hiểm” do Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential Việt Nam) phối hợp cùng Học viện Cảnh sát Nhân dân tổ chức ngày 5/8 tại TP. Vinh, Nghệ An.
Đó là cơ quan chức năng sẽ bổ sung tội danh trục lợi bảo hiểm vào Luật Hình sự sửa đổi bổ sung, theo lời của đại diện Cục quản lý & giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chia sẻ tại Hội thảo.
Như vậy, sau nhiều nỗ lực đề xuất từ phía các DNBH cả phi nhân thọ lẫn nhân thọ thông qua Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tội danh trục lợi bảo hiểm sẽ được chính thức hóa bởi Luật.
Trong khi tại các nước, chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Khắc Thành Đạt, Phó Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho rằng quy định trên được quy định khá rõ trong Luật Hình sự cũng như Luật kinh doanh bảo hiểm.
Chính do tội danh trục lợi bảo hiểm có cũng như khái niệm thế nào là trục lợi bảo hiểm vẫn chưa được quy định rõ ràng theo kiểu “chỉ quy định cho vui”, dẫn đến việc các đối tượng liên quan đã dựa vào đó để trục lợi và trục lợi bảo hiểm ngày càng trở nên khó kiểm soát và nghiêm trọng
Cụ thể, theo Thượng tá Hồ Bá Võ, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An, do các quy định hiện hành không quy định cụ thể về hành vi trục lợi bảo hiểm nên khi yêu cầu cơ quan điều tra can thiệp, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể viện dẫn Điều 139 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Luật Hình sự, thế nhưng thực tế áp dụng thì vẫn còn khó khăn, bất cập. Do vậy cần sớm hoàn thiện các hệ thống pháp luật về trục lợi bảo hiểm.
Với tín hiệu vui sẽ chính thức hóa tội danh trục lợi bảo hiểm, các bên cũng hi vọng, vấn nạn trục lợi bảo hiểm sẽ sớm giảm thiểu và từ đó dần tiến tới chấm dứt vấn nạn trục lợi bảo hiểm, góp phần mang lại môi trường bảo hiểm lành mạnh, công bằng.
Bởi trên thực tế, số liệu từ Cục Quản lý & Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, giai đoạn năm 2007 – năm 2013, toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ có khoảng 52.860 vụ trục lợi với số tiền bị trục lợi ước tính khoảng 530 tỷ đồng. Bình quân theo năm có khoảng 9.000 trường hợp gian lận bảo hiểm được phát hiện, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho DNBH, gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm chân chính.
Một tín hiệu vui khác cũng được các bên nêu ra đó là sự phối hợp của các bên càng chặt chẽ, trong đó các DNBH, đặc biệt là các DNBH có vốn đầu tư nước ngoài đang dần nhận được sự hợp tác từ cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam, trong đó có cơ quan công an. Ngoài ra, sự hợp tác giữa các DNBH với nhau càng thêm gần hơn.
Tại Hội thảo, đề xuất cho cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được phối hợp với cảnh sát điều tra trong việc điều tra khởi tố những hành vi trục lợi bảo hiểm nhân thọ cũng được đặt ra.
Cùng một số giải pháp khác như quản lý chặt chẽ quy trình khám chữa bệnh; thể chế hóa việc cung cấp thông tin nằm viện; tăng cường sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các thành viên cũng hi vọng trục lợi bảo hiểm sẽ sớm giảm thiểu và dần về con số không.