Lý giải về một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút ruột bảo hiểm y tế, làm giả thẻ bảo hiểm, khai khống… ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng đó là do “lực lượng làm công tác giám định của bảo hiểm xã hội còn quá mỏng”.
Ông Phạm Lương Sơn (ngồi giữa) tại Sự kiện & Bình luận sáng 19/7
Trong thời gian qua, chúng ta đã được nghe nhiều về sự việc có nhiều trường hợp rút ruột bảo hiểm y tế bằng cách làm giả thẻ bảo hiểm, khai khống… và qua kiểm tra gần đây của các cơ quan chức năng thì có nhiều trường hợp rút ruột bảo hiểm y tế với số tiền lớn, thậm chí lên đến hàng chục tỷ đồng của các cơ sở khám chữa bệnh.
Thực trạng này càng đáng báo động khi nó không chỉ được phát hiện ở một bệnh viện mà một chuỗi bệnh viện trong cùng một tỉnh và không chỉ ở một tỉnh mà ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tình trạng rút ruột có thể xảy ra mỗi nơi một khác nhưng giống nhau ở chỗ nó làm thâm hụt quỹ, người được hưởng chính sách đặc biệt này của Nhà nước thì không được hưởng lợi trong khi làm giàu cho những kẻ trục lợi cá nhân một cách bất chính.
Trong cuộc trao đổi tại chương trình Sự kiện & Bình luận sáng 19/7/2014, ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có những lý giải vì sao lại có tình trạng kể trên. Trong đó, ông khẳng định trong phần mở đầu cuộc trao đổi rằng: “Luật bảo hiểm y tế đã quy định, về nguyên tắc, tất cả các chi phí khám chữa bệnh sẽ được thanh toán khi đã được giám định. Nếu thực hiện theo đúng quy trình giám định thì việc kiểm soát chữ ký sẽ khá chặt chẽ. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ phải giám sát cả về mặt hành chính để xem thẻ đó có đúng người đúng thẻ không”.
“Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay số lượng người đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tăng rất cao qua mỗi năm” – Ông Sơn nói tiếp – “Cụ thể trong năm 2013 có trên 131 triệu lượt người đến khám, vì thế, với lực lượng làm công tác giám định còn quá mỏng của bảo hiểm xã hội thì thực sự đó là quá tải đối với công việc chúng tôi”.
“Một con số thống kê cũng cho thấy là toàn bộ hệ thống giám định hiện nay, chúng tôi chỉ có khoảng 1.800 người làm công tác giám định, trong đó chỉ có gần 800 người có trình độ chuyên môn là bác sĩ, dược sĩ. Vì vậy, mỗi bác sĩ, dược sĩ để có thể đảm nhiệm công tác giám định thì đấy là quá sức”.
Trả lời câu hỏi có hay không có sự tiếp tay từ cán bộ của bảo hiểm y tế trong sự việc này, ông Sơn nói: “Để có thể xác định được việc có sự tiếp tay từ cán bộ của cơ quan bảo hiểm xã hội hay không thì cần có bằng chứng. Về quan điểm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như Bộ Y tế xác định rõ là không bao che và sẽ xử lý nghiêm, đúng người đúng khuyết điểm với tất cả các hành vi trong việc tiếp tay dẫn đến tình trạng gian lận, trục lợi ở các cơ sở khám chữa bệnh”.
Theo VTV
Bảo Hiểm Bảo Việt