Theo ông Khánh, việc điều tra số liệu nêu trên nhằm có cơ sở đánh giá chính xác thực trạng của hoạt động trung gian bảo hiểm tại Việt Nam, làm cơ sở hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý lĩnh vực này.
Các thông số mà DN bảo hiểm cần cung cấp bao gồm tình hình sử dụng môi giới bảo hiểm bên cạnh các thông tin khác như hệ thống phân phối sản phẩm bảo hiểm áp dụng tại DN; tình hình sử dụng đại lý bảo hiểm; cơ chế chính sách đối với hoạt động trung gian bảo hiểm.
Được xem là một kênh trung gian bảo hiểm cùng với đại lý bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm thời gian qua dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa thực sự ghi dấu ấn.
6 tháng đầu năm, theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2013, ước đạt 2.796 tỷ đồng; tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2013, ước đạt 234 tỷ đồng.
Đáng nói là mảng môi giới bảo hiểm vẫn tồn tại những bất cập như tình trạng cạnh trạnh không lành mạnh giữa nội khối DN môi giới bảo hiểm và giữa DN môi giới bảo hiểm với DN bảo hiểm, lôi kéo khách hàng dẫn tới việc hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản bảo hiểm…
Theo quy định, môi giới bảo hiểm cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng, nhưng không hưởng thù lao dịch vụ tư vấn từ khách hàng mà được hưởng hoa hồng môi giới bảo hiểm từ phía DN bảo hiểm do mang lại dịch vụ bảo hiểm. Trên thực tế, nhiều môi giới bảo hiểm định hướng cho khách hàng lựa chọn những DN bảo hiểm có cam kết trả hoa hồng môi giới cao, thay vì lựa chọn những DN bảo hiểm mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng.
Đáng chú ý, môi giới bảo hiểm được các DN bảo hiểm phản ánh là đang lạm quyền, vượt phạm vi hoạt động một cách khá phổ biến.
Tại Đại hội thường niên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hồi đầu năm, một loạt câu hỏi về hoạt động của khối môi giới bảo hiểm được các thành viên thị trường đặt ra. Chẳng hạn, DN môi giới bảo hiểm có được tự mình thiết kế sản phẩm bảo hiểm thay DN bảo hiểm (như sản phẩm Aon Care, theo quy định chỉ có DN bảo hiểm mới là đơn vị đưa ra sản phẩm), có được tự soạn nội dung hợp đồng bảo hiểm, phí bảo hiểm không giống với quy tắc điều khoản, điều kiện bảo hiểm của DN bảo hiểm hay không? Hoặc môi giới bảo hiểm thu phí bảo hiểm của khách hàng chậm trả lại cho DN bảo hiểm, làm ảnh hưởng tới thời gian hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, khi tổn thất xảy ra, hợp đồng bảo hiểm không có hiệu lực thì ai sẽ là người thanh toán tiền bồi thường?
Đại diện một DN bảo hiểm còn cho biết, môi giới bảo hiểm còn soạn cả những hợp đồng theo kiểu chắp vá các điều khoản, điều kiện bảo hiểm của nhiều DN bảo hiểm khác nhau thành một bản mới, theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Nguy hiểm hơn, có hợp đồng bảo hiểm, môi giới dùng phạm vi bảo hiểm rộng nhất (quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm), nhưng áp một mức phí bảo hiểm thấp nhất. Thậm chí, trong một số nội dung chào thầu hoặc hợp đồng bảo hiểm để đấu thầu, môi giới bảo hiểm đưa ra mức phí thấp hơn quy định của nhà tái bảo hiểm cố định của DN bảo hiểm hoặc của Bộ Tài chính đối với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc.
Chưa kể, môi giới bảo hiểm còn tư vấn cho khách hàng khai báo thông tin lập hồ sơ, giấy tờ yêu cầu bồi thường, cam kết với khách hàng số tiền bồi thường có thể đòi được từ DN bảo hiểm để ép DN bảo hiểm phải bồi thường nhằm hưởng thù lao từ phía khách hàng.
Đại diện một DN bảo hiểm khác bộc bạch, nếu không phải vì doanh thu cũng như vì mối quan hệ giữa hai bên (môi giới với DN bảo hiểm) lâu nay thì DN ông sẽ không ngại từ chối dịch vụ bảo hiểm do môi giới bảo hiểm mang lại. Bởi trên thực tế, nếu môi giới tiếp tục lạm quyền thì cũng đồng nghĩa với việc mang lại thua thiệt, rủi ro về cho DN bảo hiểm khi chấp thuận ký kết hợp đồng bảo hiểm với những quy tắc, điều khoản, nội dung hợp đồng bảo hiểm, phí bảo hiểm bất lợi.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc DN bảo hiểm phải kiên quyết với các môi giới bảo hiểm có biểu hiện lạm quyền. Cơ quan quản lý cần tăng cường chấn chỉnh hoạt động môi giới bảo hiểm. Còn các DN môi giới cần nhận thức rõ sự phát triển của thị trường gắn liền với tính chuyên nghiệp trong hoạt động của mình.