(TBTCO) – Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm đối với người và tài sản nghề cá, đánh bắt hải sản xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, mà Bộ Tài chính đang xây dựng có quy định cụ thể về điều kiện với chủ tàu cũng như DN bảo hiểm.
Cụ thể, Dự thảo Thông tư hướng dẫn có quy định điều kiện đối với chủ tàu tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ.
Đó là: Chủ tàu là tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý, sử dụng tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (tạm gọi là đánh bắt xa bờ).
Chủ tàu phải là thành viên của tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản; Tàu đánh cá, tàu dịch vụ hậu cần (tàu cá) phải có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên;
Tàu phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký, chứng nhận an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác thủy sản còn hiệu lực; Chủ tàu đã đăng ký thuyền viên và được cấp sổ danh bạ thuyền viên.
Các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) muốn tham gia triển khai bảo hiểm tai nạn thuyền viên; bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ (gọi chung là bảo hiểm đánh bắt xa bờ) cũng phải đáp ứng một số điều kiện:
DNBH được cấp phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ. Trong đó, DN đã có ít nhất 3 năm triển khai bảo hiểm đánh bắt xa bờ và có tổng doanh thu phí bảo hiểm loại này, trong 3 năm gần nhất, đạt tối thiểu 10 tỷ đồng;
Tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất, DNBH có tổng số vốn điều lệ thực góp từ 600 tỷ đồng trở lên và đảm bảo khả năng thanh toán; DN phải có các chi nhánh, công ty thành viên hạch toán phụ thuộc, đặt trụ sở tại ít nhất 1/2 các tỉnh, thành phố (trung ương), nơi các tàu cá đăng ký hoạt động và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính./.