(TBTCO) – 6 tháng đầu năm, bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, với tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng ước đạt 24.129 tỷ đồng, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DN bảo hiểm ước đạt 116.318 tỷ đồng.
Đây là số liệu được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, ngày 9/7 tại Hà Nội.
Tăng trưởng doanh thu hơn 12%
Theo số liệu của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, trong 6 tháng đầu năm, tình hình vĩ mô chưa ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm, lãi suất thị trường có xu hướng giảm, tăng trưởng tín dụng thấp, thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều, tuy nhiên thị trường bảo hiểm vẫn đạt được kết quả tích cực.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá cao nỗ lực của Cục trong việc duy trì sự phát triển ổn định của thị trường trong thời gian qua. Ảnh: Hồng Chi |
Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 24.129 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 13.077 tỷ đồng (tăng 7,3%); doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 11.052 tỷ đồng (tăng 19,5% ).
Trong 6 tháng đầu năm, tổng số tiền thực bồi thường và chi trả bảo hiểm của các DN bảo hiểm ước là 9.806 tỷ đồng. Trong đó các DN bảo hiểm nhân thọ ước là 3.894 tỷ đồng, DN bảo hiểm phi nhân thọ ước là 5.912 tỷ đồng.
Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DN bảo hiểm ước đạt 116.318 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ, trong đó, các DN bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 93.137 tỷ đồng (tăng 16% ), DN bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 23.181 tỷ đồng (tăng 0,05 %).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm Phạm Đình Trọng cho biết, trong 6 tháng đầu năm Cục đã hoàn thành công tác thanh tra kiểm tra 4 DN bảo hiểm nhân thọ là bảo hiểm AIA, Manulife, Dai-ichi và Hanwha Life, kiểm tra chuyên đề bảo hiểm xe cơ giới và hoa hồng bảo hiểm tại 4 DN bảo hiểm phi nhân thọ là Xuân Thành, AAA,VASS, BSH, kiểm tra 2 công ty môi giới bảo hiểm là Toyota,Tsusho…
Đối với nhiệm vụ đột xuất xẩy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Cục chủ động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính trong việc tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho các DN bị thiệt hại. Công tác giải quyết bồi thường nhanh chóng đã giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ uy tín, hình ảnh và ổn định môi trường đầu tư của Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định ý nghĩa của bảo hiểm đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên cũng theo ông Trọng, 6 tháng đầu năm thị trường vẫn tồn tại nhiều bất cập, các cơ chế chính sách mặc dù đã được rà soát, đánh giá thường xuyên tuy nhiên vẫn chưa đón đầu được tình hình phát triển của thực tiễn hoạt động kinh doanh, trong đó bao gồm chính sách phòng chống trục lợi, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro doanh nghiệp, phát triển sản phẩm mới…
Số lượng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra chưa nhiều, kiểm tra được thực hiện chủ yếu tại trụ sở chính và các chi nhánh tại thành phố lớn, chưa triển khai được hết các chi nhánh của DN bảo hiểm.
“Vẫn tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN bảo hiểm như giảm phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm, tăng chi phí hoạt động kinh doanh…dẫn đến khó thu xếp tái bảo hiểm ra nước ngoài cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN”, ông Trọng nhấn mạnh.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá cao nỗ lực của Cục trong việc duy trì sự phát triển ổn định của thị trường trong thời gian qua. Thứ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của Cục trong việc chỉ đạo DN bảo hiểm đẩy nhanh công tác bồi thường cho các DN bị thiệt hại tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh góp phần ổn định môi trường đầu tư của Việt Nam. Việc triển khai thành công bước đầu chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội…
Thứ trưởng nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm Cục cần sớm hoàn thiện Thông tư 124, 125, đây là cơ sở pháp lý để thị trường phát triển ổn định, bền vững. Cục cần hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển bảo hiểm thủy sản; thực hiện tái cấu trúc theo lộ trình đề ra; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khi phát hiện sai phạm phải xử lý ngay…để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, ổn định.
Để duy trì sự ổn định và phát triển của thị trường, đồng thời đạt được mục tiêu các chương trình công tác đã đề ra, 6 tháng cuối năm 2014, Cục sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các DN bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm, cụ thể sẽ thanh tra 3 DN bảo hiểm, kiểm tra toàn diện 3 DN bảo hiểm phi nhân thọ, kiểm tra chuyên đề các DN bảo hiểm nhân thọ…
Bên cạnh đó, Cục sẽ đẩy mạnh rà soát, đánh giá hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ của các DN bảo hiểm, trên cơ sở đó yêu cầu các DN bảo hiểm điều chỉnh và phê chuẩn lại quy tắc, biểu phí bảo hiểm sức khỏe; Phê duyệt quy tắc, biểu phí bảo hiểm thân tàu của các DN bảo hiểm phi nhân thọ; Triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới…
Đặc biệt, Cục sẽ chỉ đạo, giám sát công tác bồi thường bảo hiểm tại Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai nhằm giúp DN sớm ổn định sản xuất; Đôn đốc DN nộp báo cáo tài chính có xác nhận kiểm toán phục vụ cho việc phân tích, đánh giá tình hình tài chính của DN cũng như công tác giám sát, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của DN…nhằm duy trì mục tiêu tăng trưởng ổn định, an toàn tài chính và phát triển bền vững cho thị trường bảo hiểm.
Dự kiến, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 53.487 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.195 tỷ đồng, tăng 11% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 26.292 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ./.