(TBTCO) – Báo cáo chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) của tỉnh Thái Bình cho thấy, tổng số hộ tham gia bảo hiểm cây lúa là 31.041 hộ, trong đó hộ nghèo tham gia bảo hiểm là 29.426 đạt 91,5%, hộ cận nghèo 1.320 hộ, đạt 7,9%…
31.041 hộ tham gia bảo hiểm cây lúa
Hàng năm sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai, dịch bênh, gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp. Chương trình thí điểm BHNN sau 3 năm triển khai đã giúp bà con nông dân ổn định cuộc sống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khôi phục và bù đắp được chi phí để bà con yên tâm sản xuất nông nghiệp.
Thái Bình thực hiện thí điểm BHNN đối với cây lúa tại 3 huyện Vũ Thư, Tiền Hải và Thái Thụy. |
Báo cáo chương trình thí điểm BHNN của tỉnh Thái Bình cho thấy, sau 3 năm triển khai chương trình đã thu hút được 31.041 hộ tham gia, trong đó hộ nghèo là 29.426 hộ, đạt 91,5%, hộ cận nghèo 1.320 hộ, đạt 7,9%…Tổng giá trị bảo hiểm cây lúa đạt 241,448 tỷ đồng, phí bảo hiểm là 12,280 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 12,149 tỷ đồng, bà con nông dân tham gia bảo hiểm đóng 131,265 triệu đồng.
Cụ thể, trong năm 2012, chương trình thí điểm đã thu hút được 16.281 hộ, trong đó, đối tượng hộ nghèo tham gia 15.751 hộ, đạt 90,5%, hộ cận nghèo tham gia 343 hộ đạt 3,9% …Tổng giá trị bảo hiểm 107,966 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm là 5,646 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 5,590 tỷ đồng, bà con tham gia bảo hiểm đóng phí 56,62 triệu đồng
Năm 2012, Thái Bình là tỉnh bị thiệt hại nặng do cơn bão số 8 gây ra, toàn bộ diện tích lúa tham gia bảo hiểm của huyện Tiền Hải bị thiệt hại nặng nề (782,6 ha), huyện Thái Thụy là 25,98 ha.
Ngay sau bão, Bảo Việt Thái Bình đã tiến hành chi trả hơn 2,690 tỷ đồng cho các xã của huyện Tiền Hải, Thái Thụy tạo điều kiện cho các hộ nông dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất.
Riêng trong năm 2013, tổng số hộ tham gia thí điểm là 14.854 hộ, trong đó đối tượng hộ nghèo tham gia 13.675 hộ, đạt 93,3%, hộ cận nghèo tham gia 977 hộ đạt 12,3%…Tổng giá trị bảo hiểm 133,482 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm là 6,634 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 6,559 tỷ đồng, phần bà con tham gia bảo hiểm nộp là 74,645 triệu đồng.
Đại diện Ban chỉ đạo thí điểm BHNN tỉnh Thái Bình cho biết, quá trình tổ chức triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm cây lúa đã đạt được kết quả ban đầu và được các hộ nông dân tham gia đồng tình ủng hộ, tuy nhiên đối tượng cận nghèo, hộ bình thường tham gia bảo hiểm còn thấp, do thu nhập đối với trồng lúa thấp, hiệu quả sản xuất lúa không cao trong khi đó mức phí bảo hiểm phải đóng đối với hộ thường khá cao.
Kiến nghị nâng mức hỗ trợ phí
Theo đại diện Ban chỉ đạo thí điểm BHNN tỉnh Thái Bình, việc tiếp tục triển khai BHNN là rất cần thiết đối với nông dân trong thời điểm hiện tại vì sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, người dân đang phải tự chịu trách nhiệm chăm sóc, tự chịu rủi ro về biến động giá cả đầu ra, rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra…đời sống bấp bênh.
Thái Bình kiến nghị, Chính phủ sớm nhân rộng BHNN tại nhiều địa phương; giảm mức phí của người dân đóng góp đối với bảo hiểm cây lúa từ 25.000đồng/ sào xuống còn 18.000đồng/sào.
Kiến nghị tăng mức hỗ trợ phí của nhà nước lên 80% cho hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo và hỗ trợ 95% phí bảo hiểm cho các hộ cận nghèo, hỗ trợ 100% phí đối với hộ nghèo.
“Đối với cây lúa, cần bảo hiểm tất cả rủi ro về thiên tai, dịch bệnh làm giảm năng suất lúa. Phạm vi bồi thường bảo hiểm nên áp dụng bồi thường theo cánh đồng vì nó phù hợp quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu – xây dựng nông thôn mới”, đại diện Ban chỉ đạo thí điểm BHNN tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.
Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, thời gian tới cần tiếp tục triển khai BHNN với quy mô rộng hơn, với sự hỗ trợ của Nhà nước về phí bảo hiểm cho người nông dân và chương trình bảo hiểm cần gắn với các chương trình phát triển khác của nông nghiệp. Ví dụ, hỗ trợ kinh phí gắn với chương trình nông thôn mới, coi bảo hiểm nông nghiệp là một tiêu chí cho phát triển nông thôn và giao cho Ban chỉ đạo chương trình Nông thôn mới phối hợp với DN bảo hiểm để triển khai bảo hiểm nông nghiệp…/.
Theo chương trình thí điểm BHNN (2011-1013): Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm, hỗ không thuộc diện nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm. |