Chiều ngày 02/07/2014, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các loại hình doanh nghiệp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ và BHXH Việt Nam.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết
Tới dự lễ ký kết có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội. Theo đó, giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp.
Đối với việc giám sát thực hiện pháp luật về BHXH, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các loại hình doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt tập trung giám sát các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa chuyển sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và một số doanh nghiệp tư nhân tại những địa bàn có đông công nhân lao động nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện pháp luật BHXH; qua giám sát kiến nghị với các cơ quan chức năng có các giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng nợ, chậm và trốn đóng BHXH của người sử dụng lao động; có thêm cơ sở thực tiễn để tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, bảo vệ tốt hơn quyền được tham gia và hưởng BHXH của người lao động.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, việc trốn đóng BHXH ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động, do đó cần phải tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH sẽ tạo nên sự phối hợp đồng bộ, phát huy vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đặc thù, thế mạnh của tổ chức Công đoàn để triển khai có hiệu quả các nội dung giám sát.
Theo Chương trình phối hợp, trong năm 2014, tiến hành giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật BHXH của các doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH thường xuyên, với số tiền lớn. Qua giám sát phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý trong chính sách và cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHXH bắt buộc, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi Luật BHXH và các quy định pháp luật khác có liên quan cho phù hợp với thực tiễn.
Lãnh đạo các đơn vị ký kết Chương trình phối hợp
Nội dung giám sát, tổ chức giám sát liên ngành cấp trung ương về việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH tại các doanh nghiệp trên địa bàn một số tỉnh trọng điểm. Tập trung giám sát việc quản lý, sử dụng lao động, số lao động được tham gia đóng BHXH, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, việc đóng BHXH, việc thực hiện các chế độ BHXH cho người lao động tại doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHXH ở địa phương; công tác phối hợp giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Liên đoàn Lao động và BHXH tỉnh, thành phố trong việc quản lý, tổ chức thực hiện, giám sát, thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH trên địa bàn. Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp về nội dung chế độ và cách thức tổ chức thực hiện chế độ BHXH. Kết thúc giám sát tại doanh nghiệp có biên bản làm việc; kết thúc giám sát tại địa phương có thông báo kết quả giám sát đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có các doanh nghiệp được giám sát. Căn cứ vào mục tiêu và kết quả giám sát, báo cáo kết quả giám sát gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan để tham gia sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH…
Đăng Kiên
Bảo Hiểm Bảo Việt