(TBTCO) – Bộ Tài chính cho biết, hiện 44/45 DN bảo hiểm đều đảm bảo được tiêu chí an toàn về tài chính, 44/45 DN bảo hiểm có lãi về hoạt động đầu tư tài chính. Đặc biệt trong số 45 DN này, không có DN nào bị xếp loại vào nhóm 4.
Duy nhất 1 DN có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán
Báo cáo từ Bộ Tài chính về tình hình tái cấu trúc thị trường bảo hiểm cho thấy, trong tổng số 45 DN bảo hiểm trên thị trường có 8 DN bảo hiểm phi nhân thọ và 16 DN bảo hiểm nhân thọ thuộc nhóm 1; 20 DN bảo hiểm phi nhân thọ thuộc nhóm 2; 1 DN bảo hiểm phi nhân thọ thuộc nhóm 3; không có DN bảo hiểm nào thuộc nhóm 4.
Với việc xếp loại DN bảo hiểm theo nhóm, DN sẽ có được những cơ chế hỗ trợ đối với từng nhóm. Cụ thể, đối với DN bảo hiểm xếp nhóm 1 sẽ được tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động kinh doanh, tăng cường việc sử dụng hệ thống công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động kinh doanh, mở rộng nghiệp vụ kinh doanh, mở thêm chi nhánh…
Phân loại DN bảo hiểm sẽ giúp DN chủ động rà soát, đánh giá tính hiệu quả hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính. Ảnh: T.L |
Đối với DN bảo hiểm xếp nhóm 2 sẽ phải báo cáo Bộ Tài chính theo quy định, đồng thời tăng cường kiểm soát quản lý tài chính, kiểm soát chi phí khai thác, các khoản bồi thường … Riêng đối với các DN bảo hiểm thuộc nhóm 3, nhóm nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán, DN sẽ phải lập phương án khôi phục khả năng thanh toán, củng cố tổ chức và hoạt động của DN, báo cáo Bộ Tài chính và thực hiện phương án đã được Bộ chấp thuận.
Trong trường hợp DN bảo hiểm bị xếp vào nhóm 4, nhóm bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục đối với DN.
Việc phân loại DN bảo hiểm sẽ giúp DN chủ động rà soát, đánh giá tính hiệu quả trong việc tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại nhóm 3, nhóm các DN bảo hiểm có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán chỉ có duy nhất một DN bảo hiểm là Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS). Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo tái cấu trúc VASS.
Sau khi VASS thực hiện góp vốn đợt 2, tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng nhằm đáp ứng các quy định của pháp luật về vốn pháp định, Bộ đang xem xét phương án yêu cầu VASS tiếp tục bổ sung vốn để đảm bảo vốn pháp định và biên khả năng thanh toán theo đúng quy định.
Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện 44/45 DN bảo hiểm đều đảm bảo được tiêu chí an toàn về tài chính, 44/45 DN bảo hiểm có lãi về hoạt động đầu tư tài chính. Đối với từng nhóm DN được phân loại, Bộ đã thực hiện các giải pháp phù hợp để tạo điều kiện cho DN phát triển.
Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc DN bảo hiểm
Thực hiện lộ trình tái cấu trúc DN bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1826/QĐ-TTg, trong 6 tháng cuối năm 2014, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Ban hành Thông tư hướng dẫn chỉ tiêu giám sát DN bảo hiểm để đảm bảo việc tái cấu trúc được chủ động, thường xuyên và kịp thời; Tiếp tục tập trung chỉ đạo việc tái cấu trúc Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông.
Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm bảo hiểm, tập trung vào các nội dung như: Trình Chính phủ ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2007/NĐ-CP theo đó cho phép bổ sung nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh; Tiếp tục triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm vi mô; Theo dõi, chỉ đạo, giám sát DN bảo hiểm rà soát, quán triệt việc tuân thủ pháp luật kinh doanh bảo hiểm.
Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo mức độ an toàn vốn của các DN bảo hiểm phù hợp với quy mô hoạt động, cơ cấu đầu tư và khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm tra hoạt động chi trả, giải quyết quyền lợi cho khách hàng của các DN bảo hiểm…/.