(TBTCO) – Sau 3 năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Nghệ An đã đạt được thành công bước đầu với 152.958 hộ nông dân tham gia. Tính đến ngày 20/6/2014, Nghệ An đã giải quyết bồi thường thiệt hại cho hàng ngàn hộ nông dân với tổng số tiền bồi thường là 16,5 tỷ đồng.
Là một trong 20 tỉnh, thành phố được Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thực hiện thí điểm BHNN theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 3 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân trên địa bàn, công tác triển khai thí điểm BHNN ở Nghệ An đã đạt được thành công bước đầu.
Gần 153 nghìn hộ nông dân tham gia BHNN
Tại Nghệ An, việc triển khai thí điểm BHNN được thực hiện đối với cây lúa, vật nuôi. Bảo hiểm cây lúa được triển khai tại 3 huyện Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu; bảo hiểm vật nuôi (trâu, bò, lợn) được triển khai thí điểm tại 3 huyện Đô Lương, Thanh Chương, Tương Dương.
Nghệ An thực hiện thí điểm BHNN đối với cây lúa 3 huyện Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Ảnh: T.L |
Sau 3 năm thực hiện thí điểm, Nghệ An đã có 152.958 hộ nông dân tham gia BHNN với tổng số tiền bảo hiểm là 1.996 tỷ đồng, phí bảo hiểm 78.403 triệu đồng, trong đó, ngân sách hỗ trợ 75.903 triệu đồng, hộ dân đóng góp là 2.500 triệu đồng
Tính đến ngày 20/6/2014, Nghệ An đã giải quyết bồi thường với tổng số tiền là 16,5 tỷ đồng, trong đó bồi thường bảo hiểm cây lúa là 11,8 tỷ đồng, vật nuôi là 4,6 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền bồi thường đã được Bảo hiểm Bảo Việt phối hợp với Ban chỉ đạo tỉnh chi trả kịp thời đến tận tay từng hộ dân, nhằm bù đắp thiệt hại, góp phần hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất, ổn định cuộc sống.
Hiện còn 130 hồ sơ với số tiền bồi thường khoảng 450 triệu đồng, DN bảo hiểm đang phối hợp với Ban chỉ đạo tỉnh hoàn tất hồ sơ để thực hiện bồi thường nhanh chóng cho người dân.
Kỳ vọng triển khai đại trà
Thực tế, sau 3 năm thực hiện thí điểm BHNN, Nghệ An đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân tham gia BHNN. Đặc biệt, thông qua chương trình đã nâng cao nhận thức và sự cần thiết của BHNN trong quá trình sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các cấp, các ngành và các hộ dân đồng thời thấy được nhu cầu cần thiết phải có bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, việc chi trả bồi thường kịp thời cũng đã tạo điều kiện cho hộ dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống tạo được niềm tin của các hộ dân đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thí điểm BHNN tại Nghệ An vẫn tồn tại một số bất cập. Phát biểu tại hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, đại diện Ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Nghệ An cho rằng: Trong quá trình triển khai thí điểm, số hộ bình thường tham gia bảo hiểm còn thấp; Địa bàn được chọn triển khai bảo hiểm thuộc vùng sâu vùng xa (huyện Tương Dương), dân tộc ít người, tập quán chăn nuôi của đồng bào chủ yếu là chăn thả đã gây khó khăn trong quá trình triển khai và thực hiện thí điểm.
Đặc biệt, điều kiện tham gia bảo hiểm không có sự ràng buộc nên có hiện tượng một hộ có nhiều vật nuôi nhưng tham gia không hết dẫn đến việc khó quản lý và dễ dẫn đến trục lợi bảo hiểm; Việc đánh giá, xác định tổn thất vật nuôi còn thiếu chính xác, thiếu phương tiện, công cụ ghi hình ảnh làm bằng chứng…gây khó khăn cho công tác giám định, bồi thường.
Thời gian tới, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân ổn định cuộc sống, tăng thu nhập, Ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp tỉnh kiến nghị sửa đổi những bất cập hiện nay, kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện bảo hiểm nông nghiệp trên phạm vi cả nước với điều kiện có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước một phần phí bảo hiểm nhưng với mức độ thấp hơn so với Quyết định 315/QĐ-TTg./.