Nếu như 2010, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm toàn khối đạt 24,9% thì năm 2011 còn 17,5% và năm 2012 là 10,3%; 2013 xuống mức 7% (theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam). Câu hỏi đang được đặt ra với nhiều thành viên thị trường là liệu con số tăng trưởng 7% đã thực sự chạm đáy để đi lên trong thời gian tới?
Báo cáo tổng quan về tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm 2014 vừa được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cập nhật cho thấy, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt 6.619 tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy biểu đồ tăng trưởng của khối này đang trong xu thế đi lên. Bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản thiệt hại và bảo hiểm sức khoẻ y tế vẫn là bộ 3 dẫn đầu, với doanh thu tăng trưởng lần lượt là 7,7%; 10,5%; 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nghiệp vụ bảo hiểm khác cũng đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Số liệu không chính thức về kết quả kinh doanh tính đến tháng 5/2014 của một số doanh nghiệp bảo hiểm thuộc nhóm dẫn đầu thị trường cũng cho thấy thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, kết quả khả quan này chưa nói lên nhiều điều, bởi các doanh nghiệp vẫn còn cả một chặng đường dài đầy thách thức ở phía trước.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường bảo hiểm (đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ) có lấy lại tốc độ tăng trưởng trước kia hay không phụ thuộc vào các yếu tố quan trọng như: tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, nhận thức của người dân về bảo hiểm, khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và khả năng của khách hàng và niềm tin của người dân vào các công ty bảo hiểm. Với tình hình kinh tế đang tăng trưởng chậm chạp thì câu trả lời về sự tăng trưởng cũng có thể các hãng bảo hiểm đã phần nào nhận biết rõ. Dù thị trường đã có những “tia nắng ấm áp” ban đầu, nhưng theo giám đốc maketing một công ty bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tăng sức mua, bởi câu trả lời thường xuyên nhất của khách hàng bây giờ vẫn là “không có tiền – không có nhu cầu”.
Kinh tế còn khó khăn cũng khiến nhiều doanh nghiệp nói không với bảo hiểm. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, ngoài yếu tố giảm sút về nhu cầu bảo hiểm do tài sản không tăng và còn khấu hao hàng năm, sức mua (khả năng tài chính đóng phí bảo hiểm) thì yếu tố giảm phí do cạnh tranh gay gắt cũng là vấn đề của các doanh nghiệp ngành này. Ngoài ra, nội tại từng doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Nợ phí tồn đọng qua các năm chưa thu được trong khi nợ phí bảo hiểm năm 2013 cũng còn không ít.
“Các công ty bảo hiểm đang chờ thị trường sôi động trở lại, có lẽ sẽ phải mất 1-2 năm nữa”, vị giám đốc maketing trên nhìn nhận. Thời gian này, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang tích cực tìm các phương án “kích cầu” cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, nhưng không phải là cách bán bằng mọi giá. Lựa chọn khách hàng tốt ngày càng được các doanh nghiệp bảo hiểm khối phi nhân thọ chú trọng.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn trên thị trường cho biết, với những trường hợp khách hàng cứ bán bảo hiểm xong là thấy có bồi thường, doanh nghiệp sẽ hạn chế tối đa dù có mất doanh thu. Những doanh nghiệp ngành gỗ, giấy, may mặc… phải được thẩm định rất kỹ trước khi cấp đơn bảo hiểm, vì đây là nhóm khách hàng có rủi ro cao.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2014, nhiều hãng bảo hiểm đưa ra mục tiêu tăng trưởng rất thấp và thay vào đó là nhấn mạnh đến chiến lược kinh doanh hiệu quả thay vì quy mô tăng trưởng. Chọn lọc khách hàng ít rủi ro cũng là xu hướng chung của các doanh nghiệp bảo hiểm trên toàn thị trường để có được doanh thu và lợi nhuận song hành, ngoại trừ những doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chạy theo mục tiêu tăng trưởng doanh thu, mà phớt lờ rủi ro.