Bên thềm Kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam lần thứ sáu (01/07/2009-01/07/2014), một tin vui đến với mọi người dân, đó là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội khóa XIII thông qua. Với các quy định mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện chủ trương BHYT toàn dân. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí BHXH đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Website BHXH trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh
Trên nghị trường Quốc hội, có lẽ các vấn đề liên quan đến y tế và chính sách BHYT chưa bao giờ hết “nóng”. Cũng là điều dễ hiểu bởi đây là những vấn đề có liên quan thiết thực đến sức khỏe – vốn quý nhất của con người. Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm đổi mới cơ chế, chính sách BHYT… xin Thứ trưởng, Tổng Giám đốc đánh giá một cách khái quát nhất những thành tựu đã đạt được và những tồn tại, hạn chế, vướng mắc?
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Ngay từ năm 1992, Điều 39, Hiến pháp nước ta đã quy định “Thực hiện BHYT tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai thực hiện chính sách BHYT.
Nhìn lại những bước đi của BHYT, có thể thấy chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức cơ bản. Từ Điều lệ BHYT đầu tiên ban hành kèm theo Nghị định 299/HĐBT ngày 15/08/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, chính sách BHYT ngày càng phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ của đất nước.
Định hướng BHYT toàn dân là một nội dung quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001), lần thứ X (2006) và lần thứ XI (2011) của Đảng đều nhất quán chủ trương “Tiến tới BHYT toàn dân” và định hướng phải có lộ trình thực hiện phù hợp, hiệu quả.
Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân đã quy định trong Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008. Như vậy, chỉ sau 16 năm triển khai thực hiện BHYT, chúng ta đã có được 01 văn bản pháp lý quan trọng tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện BHYT ở nước ta.
Sau 05 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, cả nước có trên 61,7 triệu người tham gia BHYT (bao phủ 68,95% dân số); góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững. Hiện nay, cơ quan BHXH ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với trên 2.000 cơ sở y tế và chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng cho hàng trăm triệu lượt người có thẻ đi KCB trong 01 năm. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng nảy sinh một số vấn đề bất cập, vướng mắc như số người tham gia BHYT mới đạt gần 70%; tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT ngày càng gia tăng; việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn nhiều hạn chế làm tăng nguy cơ giảm nguồn thu cho Quỹ BHYT; chưa quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm quản lý, xác định và lập danh sách tham gia BHYT dẫn đến tình trạng trùng thẻ BHYT tại hầu khắp các tỉnh, thành phố; tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT ngày càng tinh vi nhưng công cụ kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bệnh còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu…
Những tồn tại, hạn chế Tổng Giám đốc vừa nêu đã kịp thời được BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tổng kết, đánh giá và Quốc hội khóa XIII đưa nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHYT vào Chương trình ban hành Luật, pháp lệnh của Quốc hội trong nhiệm kỳ. Sau rất nhiều phiên thảo luận, góp ý, chỉnh sửa, ngày 13/06/2014, tại kỳ họp thứ 07, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, xin Tổng Giám đốc cho biết những nét mới mang tính đột phá được quy định trong Luật BHYT Sửa đổi, bổ sung?
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Từ thực tiễn tổ chức thực hiện BHYT thời gian qua, có thể thấy, đông đảo người lao động, người nghỉ hưu, mất sức, đối tượng chính sách xã hội và một bộ phận người nghèo yên tâm hơn khi ốm đau đã có chỗ dựa khá tin cậy là BHYT. BHYT cần được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Thực hiện BHYT sẽ tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Nhà nước ta hướng tới thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tiến tới BHYT toàn dân. Quan điểm này một lần nữa được khẳng định khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã đưa quy định tham gia BHYT là trách nhiệm bắt buộc của toàn dân. Từ thực tiễn tổ chức thực hiện BHYT hơn 20 năm qua và kinh nghiệm quốc tế cho thấy không một nước nào thực hiện thành công BHYT toàn dân nếu dựa trên sự tham gia tự nguyện. Theo tổng kết của WHO trong số hơn 60 nước thực hiện cơ chế tài chính qua BHYT, mới chỉ có 27 nước thực hiện BHYT toàn dân đạt mục tiêu, như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và các nước Tây Âu… Các nước này đều theo hình thức BHYT bắt buộc, còn BHYT tự nguyện chỉ là hình thức trong thời kỳ quá độ hoặc hình thức BHYT bổ sung để hưởng các quyền lợi cao hơn. Như vậy, quy định BHYT bắt buộc toàn dân tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ đảm bảo được sự điều tiết, chia sẻ rủi ro bệnh tật – người tham gia BHYT sẽ phải đóng góp ngay từ khi còn trẻ khỏe để bản thân họ nhận được những khoản chi phí cao khi ốm đau lúc tuổi già và có sự chia sẻ giữa các đối tượng trong cộng đồng. Đồng thời ngăn chặn hiện tượng lựa chọn ngược trong BHYT (tức là chỉ có người ốm, người bị bệnh mới tham gia BHYT). Từ đó, đảm bảo Quỹ BHYT có thể cân đối được thu chi.
Nếu như Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/03/2013 với một lộ trình cụ thể, đó là: “Tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt 100%, mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 trên 70% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 trên 80% dân số tham gia BHYT”, được xem là sự cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm đạt được mục tiêu BHYT toàn dân thì quy định trách nhiệm tham gia BHYT bắt buộc tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT chính là chế tài cần thiết để thực hiện mục tiêu đó.
Bên cạnh các chế tài bắt buộc, để thu hút người dân tham gia BHYT, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cũng đã có những quy định về các gói dịch vụ cơ bản, tạo cơ sở đảm bảo việc bao phủ chăm sóc y tế cho toàn dân; mở rộng phạm vi và quyền lợi hưởng cho người tham gia BHYT theo nguyên tắc đóng-hưởng và đặc thù nhóm đối tượng (ví dụ như quy định được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT khi số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ bản và có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục; bỏ quy định cùng chi trả đối với người nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, người sống tại vùng đặc biệt khó khăn, thân nhân liệt sĩ hay quy định giảm mức đồng chi trả từ 20% xuống 5% đối với người cận nghèo; bổ sung quyền lợi hưởng BHYT của đối tượng trẻ em dưới 06 tuổi khi điều trị các bệnh lác, cận thị và tật khúc xạ mắt…).
Luật Sửa đổi, bổ sung cũng đã có quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác mở rộng diện bao phủ BHYT, quản lý, lập danh sách đối tượng tham gia BHYT và công tác quản lý Quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Có thể thấy, với những quy định hết sức rõ ràng này, đã một lần nữa khẳng định, trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT là trách nhiệm của toàn xã hội.
Với những quy định này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, mục tiêu “đến năm 2020 trên 80% dân số tham gia BHYT” sẽ sớm được thực hiện.
Tuy nhiên, để Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sớm đi vào cuộc sống, việc sớm xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các bộ, ngành chức năng với tư cách là cơ quan tham mưu của Chính phủ cần khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật và các Thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Đồng thời, cần tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật.
Là cơ quan được Chính phủ giao tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, BHXH Việt Nam đã có những kế hoạch và giải pháp như thế nào để triển khai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT hiệu quả, thưa Tổng Giám đốc?
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh: Để nhanh chóng đưa Luật BHYT Sửa đổi, bổ sung đi vào cuộc sống, những công việc cấp thiết, cần làm ngay trong thời gian tới là: BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến Luật. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, đề xuất định hướng tuyên truyền Luật trong hệ thống tuyên giáo, cũng như đối với các cơ quan báo chí và phát thanh – truyền hình trên phạm vi cả nước. Đồng thời, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức báo cáo chuyên đề về những nội dung cơ bản của Luật BHYT Sửa đổi và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật BHYT 06 tháng đầu năm 2014, cho cán bộ làm công tác tuyên giáo của các tỉnh, thành phố. Trong Đề án Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT giai đoạn 2015-2020 của Ngành, sẽ đưa ra những chiến lược dài hơi về nội dung và giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật BHYT từ nay đến năm 2020. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ngành cũng chủ trương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
– Một là, tham gia tích cực với các bộ, ngành tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách BHYT. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện quản lý trong lĩnh vực BHYT toàn Ngành.
– Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức mạng lưới đại lý thu BHYT để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia BHYT, đáp ứng nhiệm vụ mở rộng diện bao phủ BHYT bắt buộc toàn dân.
– Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành, đặc biệt là công tác giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và các phần mềm hỗ trợ cho công tác thu, cấp và quản lý thẻ BHYT, giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Từng bước hình thành hệ thống quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT để đảm bảo dữ liệu có sự liên thông, tập trung, đáp ứng yêu cầu quản lý.
– Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo hiệu quả sử dụng Quỹ và quyền lợi của người tham gia BHYT, kiên quyết đấu tranh với các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ. Để chủ động hơn trong công tác này, hiện nay, Ngành BHXH đang đề xuất với Chính phủ và Quốc hội xem xét giao cho cơ quan BHXH cùng với thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chức năng thanh tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT. Đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung một số tội danh về BHXH, BHYT nhằm tăng chế tài đảm bảo sự tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT của các bên liên quan.
– Năm là, tăng cường hơn nữa tính chuyên nghiệp, năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức về tăng cường nâng cao ý thức trách nhiệm và sự phối hợp trong thực hiện công tác giám định, đảm bảo mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người có thẻ BHYT và phòng, chống lạm dụng, trục lợi Quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Sắp xếp, luân chuyển, bố trí lại nguồn nhân lực làm công tác giám định phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ làm công tác giám định BHYT./.
Trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng, Tổng Giám đốc!
Ngọc Ánh (Thực hiện)