Bảo hiểm cháy nổ “chê” chợ

Hiện nay, rất nhiều Ban quản lý (BQL) rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi không tài nào thuyết phục các công ty, đơn vị kinh doanh bảo hiểm (BH) cung cấp dịch vụ bảo hiểm cháy nổ (BHCN). Tình trạng này thể hiện rõ nét trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Nhân viên BQL chợ Phù Mỹ kiểm tra, bảo trì máy nổ đặt tại chợ để có thể sẵn sàng ứng phó khi sự cố cháy, nổ xảy ra

 

Khi đơn vị kinh doanh bảo hiểm “chê” chợ

Khoảng cuối tháng 6/2013, sau khi hợp đồng dịch vụ BHCN chợ Phù Mỹ hết thời hạn, BQL chợ Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đề nghị Công ty Bảo hiểm Bưu điện Bình Định tiếp tục cung cấp dịch vụ BHCN nhưng đơn vị này từ chối cung cấp. 

Sau đó, BQL chợ Phù Mỹ chạy đôn chạy đáo liên hệ với nhiều công ty, đơn vị kinh doanh dịch vụ BH khác đóng trên địa bàn tỉnh để tham gia BHCN, nhưng kết quả mà BQL chợ nhận được chỉ là những cái lắc đầu từ chối.

Ông Nguyễn Trúc Nhân, Phó BQL chợ Phù Mỹ, cho biết: Từ thời điểm năm 2006 đến hết tháng 6/2013, BQL chợ Phù Mỹ đều tham gia mua BHCN cho 5 gian chợ (hay còn gọi là 5 nguyên đơn) có kết cấu gồm tường xi măng, xà gồ sắt, mái lợp tôn với mức phí BH là 15 triệu đồng/năm. 

Thế nhưng, khoảng đầu tháng 7/2013, khi BQL chợ đặt vấn đề mua BHCN, không chỉ Công ty BH Bưu điện Bình Định mà tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ BH khác đóng trên địa bàn tỉnh đều từ chối cung cấp hợp đồng dịch vụ cho chợ Phù Mỹ. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Không riêng gì BQL chợ Phù Mỹ mà nhiều BQL các chợ khác như: chợ Bồ Đề, chợ Diêu Trì (huyện Tuy Phước, Bình Định); chợ Phù Cát (huyện Phù Cát, Bình Định); chợ Mộc Bài (huyện Hoài Ân, Bình Định)… cũng không thể thuyết phục các đơn vị kinh doanh BH cung cấp dịch vụ BHCN. 

Lý do mà các đơn vị BH đưa ra để từ chối cung cấp dịch vụ là công tác quản trị rủi ro cháy, nổ tại các chợ chưa tốt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao; hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chợ còn đơn sơ, chưa đáp ứng được nhu cầu ngăn ngừa khi phát sinh sự cố cháy, nổ… 

Cần có giải pháp

Việc các công ty, đơn vị kinh doanh BH từ chối cung cấp dịch vụ BHCN cho chợ khiến nhiều BQL chợ rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Bởi theo quy định của UBND tỉnh Bình Định tại Văn bản số 3960/UBND-TM ngày 31/12/2006, các chợ hoạt động trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải tham gia loại hình BHCN. Thế nhưng, khi BQL các chợ đặt vấn đề mua BHCN, tất cả các đơn vị kinh doanh BH đều lắc đầu. Như vậy, vô hình trung các BQL chợ đã vi phạm quy định hiện hành của UBND tỉnh Bình Định một cách oan uổng.

“Lý do mà họ (các đơn vị BH-PV) đưa ra để từ chối cung cấp dịch vụ chưa thỏa đáng và không đúng thực tế. Bởi lẽ, chúng tôi luôn ý thức được những thiệt hại mà cháy, nổ gây ra nên luôn luôn và rất tích cực trong công tác PCCC tại chợ. Do đó, việc các công ty, đơn vị kinh doanh lĩnh vực BH từ chối cung cấp dịch vụ BHCN cho chợ khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, việc không thể tham gia BHCN cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi làm trái quy định của UBND tỉnh. Quan trọng hơn, việc không mua được BHCN sẽ khiến chúng tôi chịu rất nhiều thiệt hại nếu không may sự cố cháy, nổ xảy ra” – ông Võ Văn Hải, Trưởng BQL chợ Diêu Trì cho biết.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trúc Nhân cho rằng: BQL chợ luôn ý thức được những thiệt hại to lớn mà sự cố cháy, nổ gây ra nên luôn luôn nêu cao tinh thần PCCC tại chợ. BQL thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở từng hộ tiểu thương phải nêu cao tình thần PCCC; trang bị hệ thống thiết bị PCCC như bình CO2, máy bơm nước đảm bảo số lượng và chất lượng; bố trí, sắp xếp các gian hàng bên trong chợ đảm bảo lối đi thông thoáng, đúng chiều rộng quy định; nghiêm cấm tiểu thương thắp nhang, đun nấu bên trong chợ… 

Để đảm bảo an toàn điện, BQL chợ bố trí hệ thống điện thắp sáng thành 2 nguồn riêng biệt, gồm: điện phục vụ tiểu thương, thời gian hoạt động từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày và điện bảo vệ, thời gian hoạt động từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng mỗi ngày. Ngoài ra, Đội PCCC của BQL chợ gồm 22 thành viên, hàng năm được lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Bình Định tập huấn nghiệp vụ, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

“Chúng tôi tha thiết yêu cầu các đơn vị BH khảo sát thực tế, đánh giá đúng tình hình PCCC tại chợ Phù Mỹ nói riêng, các chợ đóng trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung để có cơ sở cung cấp hợp đồng dịch vụ BHCN. Ngoài ra, chúng tôi mong chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan tạo điều kiện giúp đỡ để các chợ được mua BHCN; thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc tham gia BHCN trong kinh doanh, buôn bán tại các chợ; giảm thiểu thiệt hại khi không may sự cố cháy, nổ xảy ra” – ông Nhân nêu ý kiến.

Khó khăn, trăn trở mà đại diện một số BQL chợ nêu ra đang rất cần các cơ quan có chức năng của tỉnh Bình Định xem xét, chia sẻ, giải quyết một cách thấu tình, đạt lý.

Theo (PLO)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.