(TBTCO) – Theo số liệu của cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tổng số người tham gia BHXH, BHYT đến hết tháng 5/2014 là 62.050.631 người, tăng 2.457.680 người so với cùng kỳ, tuy nhiên tình trạng nợ đọng BHXH, trục lợi BHXH, BHYT vẫn diễn ra phổ biến.
Tăng hơn 2,4 triệu người tham gia BHXH, BHYT
5 tháng đầu năm, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là 62.050.631 người, tăng 2.457.680 người so với cùng kỳ, trong đó tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là 10.977.840 người; tham gia BHXH tự nguyện: 181.749 người…
Tổ chức kiểm tra công tác giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT từ năm 2011 – 2013 tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Ảnh: T.L |
Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm, toàn ngành đã giải quyết 2.558.548 lượt người hưởng chế độ BHXH, trong đó, 1.990.441 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 270.178 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 256.651 người hưởng chế độ bảo hiểm tự nguyện…
Cũng theo số liệu của cơ quan BHXH Việt Nam, 5 tháng đầu năm toàn ngành đã thu BHXH, BHYT hơn 69.618,7 tỷ đồng, tăng 12.510,6 tỷ đồng (21,9%) so với cùng kỳ, đạt 36,1% so với kế hoạch giao.
Lãnh đạo cơ quan BHXH Việt Nam cho biết, bên cạnh những kết quả toàn ngành đã đạt được trong 5 tháng đầu năm 2014, thì tình trạng nợ đọng BHXH đang là vấn đề bất cập hiện nay.
Cụ thể, số nợ BHXH, BHYT của ngành hiện nay còn rất lớn. Tính đến ngày 31/5/2014, số nợ của toàn ngành là 11.493,1 tỷ đồng, tăng 2.347,6 tỷ đồng (28,4%) so với cùng kỳ năm 2013. Một số địa phương có tỷ lệ nợ lớn là TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương…
Để tăng cường công tác thu, giảm nợ đọng, lãnh đạo cơ quan BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ thu BHXH, BHYT; phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đóng BHXH cho người lao động tại các DN, rà soát các đơn vị nợ đọng BHXH thời gian dài để có biện pháp xử lý kịp thời…
Siết công tác giám định
Lãnh đạo cơ quan BHXH Việt Nam cho biết, bên cạnh tình trạng nợ đọng BHXH, tình trạng trục lợi, đặc biệt là trục lợi bảo hiểm y tế đang rất “nóng”, điển hình như vụ việc trục lợi tại 2 trung tâm khám chữa bệnh ngoài tại Hải Phòng, Nam Định.
Để phòng, chống trục lợi bảo hiểm, BHXH các tỉnh, thành phố cần thắt chặt công tác giám định BHYT đảm bảo đúng quy trình. Tổ chức kiểm tra công tác giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT từ năm 2011 – 2013 tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Trước mắt, tập trung vào các cơ sở khám, chữa bệnh chưa có giám định viên thường trực.
Tổ chức, sắp xếp, bố trí lại nguồn nhân lực làm công tác giám định phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Điều động viên chức thuộc các phòng chức năng có liên quan khác (Phòng Kiểm tra, phòng thẻ…), để tăng cường kiểm tra, giám định tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.
Bênh cạnh đó, BHXH tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, đối chiếu giữa bảng kê chi phí khám chữa bệnh BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán với sổ khám bệnh, sổ vào viện, ra viện, sổ thủ thuật, xét nghiệm cận lâm sàng… để thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định. Từ chối thanh toán các trường hợp không được cơ sở khám chữa bệnh ghi chép đầy đủ trong các loại số sách theo quy định.
“Hiện nay, BHXH Việt Nam chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, vì vậy Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố cần chủ động đề nghị với Sở Y tế, kiến nghị chính quyền địa phương tổ chức thanh tra chuyên ngành về BHYT để kịp thời ngăn ngừa, phòng chống trục lợi quỹ BHYT”, lãnh đạo cơ quan BHXH Việt Nam nhấn mạnh./.