Ngày càng nhiều doanh nghiệp hỏi thăm
ĐHCĐ thường niên năm 2014 của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã thông qua tờ trình của HĐQT về việc mua bảo hiểm trách nhiệm (bảo hiểm D&O) cho các thành viên HĐQT (cấp quản lý) hàng năm.
Đại diện nhà băng này cho rằng, việc tham gia và duy trì sản phẩm bảo hiểm này hàng năm tại Vietinbank nhằm tránh các rủi ro pháp lý có thể xảy ra liên quan đến việc vi phạm hợp đồng và các tổn thất có thể xảy đến, nhằm đảm bảo quá trình hoạt động của Ngân hàng hiệu quả an toàn.
Ngoài ra, còn một lý do khác của việc mua bảo hiểm này, đó là xuất phát từ yêu cầu của phía cổ đông chiến lược nước ngoài của Vietinbank, Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Khi tham gia sản phẩm bảo hiểm này, các tổn thất, chi phí đại diện pháp lý liên quan tới điều tra phát sinh có thể được chi trả bởi công ty bảo hiểm.
Hồi năm ngoái, ĐHCĐ thường niên của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng thông qua nghị quyết về vấn đề này.
AIG, hãng bảo hiểm đến từ Mỹ, hãng bảo hiểm dẫn đầu trong việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm giám đốc tại thị trường Việt Nam trong năm 2013 đã có tốc độ tăng trưởng đối với sản phẩm này vào khoảng 20% so với năm 2012.
“Thời gian đầu, sản phẩm chủ yếu được bán cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp liên doanh. Nhưng gần đây, sản phẩm đã được nhiều thành phần doanh nghiệp để ý tới, từ ngân hàng đến các tập đoàn lớn và cả các công ty tư nhân…”, đại diện một doanh nghiệp đang triển khai sản phẩm này cho biết.
Khó mở rộng
Khi đẩy mạnh sản phẩm này ra thị trường vào năm ngoái, đại diện một công ty bảo hiểm nói rằng, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh thì rủi ro của các giám đốc, thành viên HĐQT sẽ tăng lên và cơ hội của bảo hiểm D&O xuất hiện. Niềm tin này không phải không có cơ sở, khi ngày càng có nhiều công ty niêm yết bàn đến việc mua bảo hiểm D&O. Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2013, doanh thu của bảo hiểm trách nhiệm chung đạt 612,5 tỷ đồng, tăng so với mức 512 tỷ đồng năm 2012.
Dù đã có nhiều tín hiệu vui, nhưng doanh thu bảo hiểm trách nhiệm giám đốc (bảo hiểm D&O) nói riêng và doanh thu của các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nói chung vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm.
Thực tế, để triển khai sản phẩm này rộng rãi hơn là điều không dễ dàng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Do sản phẩm này chưa thu hút số đông khách hàng tham gia, phí bảo hiểm thường phải áp dụng rất cao, để đủ bồi thường, nếu có khiếu nại xảy ra, nên nhiều khách hàng e ngại. Ngoài ra, việc thu xếp tái bảo hiểm cho nghiệp vụ này cũng không dễ dàng.
Nhu cầu không phải không có, vấn đề còn lại các doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết kế sản phẩm làm sao cho đúng với nhu cầu của từng doanh nghiệp. Không thuộc nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm, mà thuộc nghiệp vụ bảo hiểm con người, bảo hiểm cho người quản lý cũng là một phân khúc được chú ý. Là một sản phẩm bảo hiểm thông dụng tại các nước phát triển trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, thị trường cho sản phẩm này vẫn còn sơ khai, khi số lượng khách hàng tham gia còn ít, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với khoảng 375.000 doanh nghiệp đang hoạt động, các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, bảo hiểm cho người quản lý doanh nghiệp có tiềm năng rất lớn.
Tiềm năng là vậy, nhưng sản phẩm ra mắt có được khách hàng chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Bởi nhận thức về bảo hiểm ở thị trường Việt Nam là vấn đề rất đáng bàn. Giám đốc phụ trách maketing một công ty bảo hiểm phi nhân thọ từng chia sẻ, phần đông những người sở hữu xe ô tô ở Việt Nam mua bảo hiểm vật chất xe ô tô để đề phòng trường hợp xe bị hư hỏng do tai nạn hay mất cắp, nhưng rất ít người trong số đó lại mua bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe.
Nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng, thì gia đình họ có thể được bồi thường một chiếc xe khác, nhưng có thể họ sẽ mất hoàn toàn nguồn thu nhập từ những người trụ cột. Hay nhiều người có thể bỏ ra hàng chục triệu đồng để đi du lịch nước ngoài, song không chịu bỏ ra vài chục ngàn đồng mua bảo hiểm du lịch, để phòng ngừa hàng tá những rủi ro khi ở nước ngoài như bệnh tật, tai nạn, thất lạc hành lý, mất giấy tờ hay tiền bạc…
Cũng với tâm lý như vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều chỉ chú trọng đến việc bảo hiểm cho những tài sản hữu hình của mình như ô tô, kho bãi, văn phòng…, để giảm bớt các gánh nặng tài chính khi có rủi ro xảy ra, nhưng lại không nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc bảo hiểm cho tài sản quý giá nhất, đó là con người.
Ông Vũ Minh Hải, Phó tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) nhìn nhận, hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ khả năng tiếp tục kinh doanh, tạo ra lợi nhuận để thanh toán chi phí và các khoản vay, tuy nhiên, rất nhiều trong số đó lại không đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng đến tình hình tài chính gây ra bởi sự vắng mặt của những nhân sự quan trọng, mà cao nhất là người quản lý doanh nghiệp. Chính vì vậy, BIC không những thiết kế ra sản phẩm đi vào “ngách” của phân khúc bảo hiểm con người (bảo hiểm bệnh tật cho những nhà lãnh đạo), mà còn tính toán luôn cả các phương án tài chính sao cho chi phí của doanh nghiệp được tiết kiệm tối đa.
Theo đó, với sản phẩm Bảo An Doanh Nghiệp, khách hàng doanh nghiệp có thể lựa chọn tham gia sản phẩm theo 3 mức quyền lợi (A, B, C) với phí bảo hiểm từ thấp tới cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn thời hạn bảo hiểm từ 1 – 15 năm, tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính… Ông Hải hy vọng, với các quyền lợi thiết thực, chi phí hợp lý, cơ hội để triển khai thành công sản phẩm bảo hiểm cho người quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam là rất lớn.