Trước thực trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp với các biểu hiện: nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động, dẫn đến hàng triệu người lao động bị xâm hại quyền và lợi ích được BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Việc giao chức năng thanh tra cho BHXH Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích BHXH, BHYT hợp pháp, chính đáng của người lao động; đồng thời tăng cường hiệu lực ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, giúp Ngành thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn – vì quyền lợi người lao động
Với việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn Ngành BHXH, nhưng đến hết năm 2013, mới có gần 11 triệu người tham gia BHXH, bằng 20,2% lực lượng lao động. Nếu không có giải pháp mạnh, khó có thể đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị đến năm 2020 đạt 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Nhiều báo cáo đã đánh giá tình hình vi phạm pháp luật về BHXH có chiều hướng gia tăng. Hiện nay, còn trên 05 triệu người/16 triệu người thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc chưa tham gia, là con số đáng báo động.
Một vấn đề nổi cộm vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT là tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHYT ngày càng gia tăng, với số tiền lớn, xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành, nếu như năm 2007 số nợ BHXH, BHYT là 1.734 tỷ đồng thì đến hết tháng 04/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 12.451,6 tỷ đồng.
Trong 05 năm (2007-2011), cơ quan BHXH đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT với 7.860 cuộc tại 23.581 đơn vị, phát hiện sai phạm và yêu cầu truy thu số tiền trên 173 tỷ đồng và đề nghị truy đóng cho trên 282.000 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, đã thu hồi số tiền trên 143 tỷ đồng và đề nghị xử phạt hành chính 4.582 đơn vị, trong đó đã xử phạt hành chính 684 đơn vị vi phạm quy định về BHXH, BHYT. Sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính thì cũng có không ít những đơn vị và cơ sở khám, chữa bệnh BHYT vẫn tiếp tục có các hành vi vi phạm về lĩnh vực BHXH, BHYT. Năm 2013, toàn Ngành BHXH thực hiện kiểm tra 14.277 đơn vị, gồm: 11.079 đơn vị sử dụng lao động, 1.415 cơ sở khám chữa bệnh và 1.783 đại lý, đại diện chi trả trên toàn quốc. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi vào Quỹ BHXH với số tiền là 23,39 tỷ đồng, xuất toán và thu hồi vào Quỹ BHYT với số tiền là 35,05 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra liên ngành còn hạn chế, số đơn vị tiến hành thanh tra rất ít, chiếm khoảng 0,5% số doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT.
Nghiêm trọng có nhiều đơn vị nợ trong thời gian dài, có trường hợp doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, có hàng trăm nghìn lao động không được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN kịp thời. Trước tình hình đó, cơ quan BHXH đã có nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng và chống lạm dụng Quỹ BHXH, BHYT như đề nghị UBND các tỉnh, thành lập các tổ thu hồi nợ liên ngành và tăng cường công tác kiểm tra để hạn chế, ngăn ngừa những vi phạm và thực hiện việc khởi kiện đơn vị sử dụng lao động ra tòa án dân sự… nhưng kết quả còn rất hạn chế.
Giao chức năng thanh tra cho BHXH Việt Nam – một yêu cầu cần thiết, khách quan
Trước thực trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT ngày một gia tăng như trên thì việc giao chức năng thanh tra cho BHXH Việt Nam là một yêu cầu hết sức cần thiết, bởi lẽ:
Một là, xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt của công tác thanh tra theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng. Nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ” (Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc, ngày 06/02/1961). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cấp lãnh đạo các bộ, các ngành, các cấp nhất định phải có cơ quan thanh tra của mình để theo dõi công tác này ngay từ đầu, kịp thời uốn nắn, sửa chữa sai lầm thiếu sót có thể xảy ra, đồng thời phải trực tiếp chỉ đạo cơ quan thanh tra của mình” (Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1996, tr.275-276). Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Việc giao chức năng thanh tra cho BHXH Việt Nam không phải xuất phát từ lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức Ngành BHXH, mà để giúp cho việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước được nghiêm minh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của những chính sách trụ cột An sinh xã hội của dân, do dân và thực sự vì dân.
Hai là, theo quy định của Luật BHXH, tổ chức BHXH có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH quản lý và sử dụng các Quỹ BHXH. Tại Điều 7, dự thảo Luật BHXH có 07 nội dung quản lý nhà nước về BHXH, BHXH Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ 05 nội dung quản lý nhà nước. 02 nội dung tại Khoản 2, Khoản 6 Điều 7 thực hiện một phần, đó là tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, ban hành mẫu biểu để thực hiện, ban hành bộ thủ tục hành chính thực hiện BHXH, BHYT và kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH.
Tại Điều 1, Nghị định số 05/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định: “BHXH Việt Nam có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BHTN; quản lý và sử dụng các Quỹ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật”. Thực hiện chức năng này, BHXH Việt Nam tổ chức quản lý và thực hiện thu, quản lý tiền của người lao động, người sử dụng lao động đóng vào Quỹ BHXH, BHYT và giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động. Do đó, tổ chức BHXH Việt Nam thực hiện dịch vụ công đặc biệt do Nhà nước giao vừa có chức năng quản lý nhà nước.
Ba là, tổ chức BHXH có quyền và trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhưng lại chỉ có chức năng kiểm tra việc ký hợp đồng, việc đóng, trả BHXH, BHYT đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động, cá nhân, cơ sở khám, chữa bệnh; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hoặc có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước trong lĩnh vực BHXH, BHYT nhưng không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các quy định của chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN bị xâm hại không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Phép biện chứng duy vật của triết học Mác – Lê nin cũng đã chỉ rõ: Khả năng và hiện thực là một cặp phạm trù quan trọng, có quan hệ mật thiết với nhau. Để khả năng biến thành hiện thực cần không phải chỉ một mà nhiều điều kiện cần thiết. Để giúp cho BHXH Việt Nam thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, cần trang bị đầy đủ các công cụ làm việc cần thiết, cụ thể là chức năng thanh tra chuyên ngành.
Bốn là, theo quy định của Luật BHXH và Luật BHYT thì Thanh tra LĐ-TB&XH và Thanh tra Y tế có chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT đã có nhiều cố gắng trong việc thanh tra và phối hợp với tổ chức BHXH để tranh tra, xử phạt đối với các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, nhưng do số lượng các đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh quá lớn, lực lượng thanh tra của 02 ngành này còn mỏng. Hiện nay, Ngành LĐ-TB&XH có khoảng 500 cán bộ thanh tra; Ngành Y tế có khoảng 300 cán bộ nhưng do phải tập trung các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo chức năng của ngành mình nên việc thanh tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT vẫn còn hạn chế về số cuộc và số đơn vị được thanh tra. Theo số liệu thống kê, từ 2007 đến năm 2011, Thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Nhà nước, Thanh tra ngành LĐ-TB&XH, Ngành Y tế và các ngành có liên quan chỉ phối hợp với tổ chức BHXH thanh tra, kiểm tra tại 6.718 đơn vị bằng 3% so với số đơn vị đang tham gia BHXH. Tỷ lệ thanh tra viên so với số người lao động là 1/100.000, đây là tỷ lệ rất thấp. Với lực lượng thanh tra hiện tại, tình hình thanh tra và phối hợp thanh tra đối với các đơn vị như hiện nay theo tính toán thì phải trên 100 năm sau mới có thể thanh tra hết một lượt các đơn vị SDLĐ. Trong khi đó, tổ chức BHXH có cơ cấu tổ chức kiểm tra theo ngành dọc từ Trung ương tới tỉnh, huyện và có đủ đội ngũ cán bộ kiểm tra đã được đào tạo nghiệp vụ thanh tra. Hiện nay, toàn ngành có khoảng 20.500 cán bộ (trong đó có khoảng 5.500 cán bộ làm công tác kiểm tra) thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thu, nộp BHXH, BHYT đối với các đơn vị ít nhất 01 năm/1lần. Thực tiễn các năm vừa qua, cơ quan BHXH các cấp phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về BHXH nhưng không có chức năng xử phạt, mà chỉ có quyền kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý làm cho vi phạm chưa được xử lý kịp thời. Mặt khác, khi nhận được kiến nghị xử phạt của cơ quan BHXH, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa xử lý được ngay do phải nghiên cứu, xác minh thêm làm cho vi phạm chậm được xử lý hoặc chưa được xử lý.
Vì vậy, nếu được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT cho tổ chức BHXH thì công tác xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT sẽ đạt hiệu quả cao bởi tổ chức BHXH trực tiếp thực hiện chính sách BHXH, BHYT do vậy sẽ nắm rõ những đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, thường xuyên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm góp phần tác động tới việc chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Tổ chức BHXH cũng sẽ cùng với thanh tra Ngành LĐ-TB&XH, Ngành Y tế tăng cường thanh tra, ngăn ngừa vi phạm và kiến nghị sửa đổi những tồn tại, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện chính sách. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT không phải tăng thêm biên chế cho thanh tra chuyên ngành BHXH, BHYT, tiết kiệm chi phí quản lý hành chính.
Năm là, kinh nghiệm quản lý trốn đóng, nợ đọng, xử lý vi phạm về BHXH, BHYT của một số nước như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… cho thấy, tổ chức BHXH đều được trao quyền thanh tra, xử phạt và kiến nghị khởi tố dân sự, hình sự đối với các chủ sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH.
Sáu là, theo quy định tại Khoản 1, Điều 76. Luật Thanh tra quy định: “Căn cứ vào quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan khác của Nhà nước tổ chức và chỉ đạo hoạt động thanh tra trong ngành, cơ quan mình”, để giao chức năng thanh tra BHXH, BHYT cho BHXH Việt Nam.
Trên cơ sở phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn trên và xuất phát từ lợi ích của việc trực tiếp quản lý, thực hiện công tác thu, chi trả BHXH, BHYT, có thể khẳng định: tổ chức BHXH có điều kiện theo dõi chặt chẽ các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT nên tổ chức BHXH có đủ điều kiện thuận lợi để đảm nhận chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT./.
ThS. Nguyễn Hải Hồng