Câu hỏi 235: Đối tượng bảo hiểm trong bảo hiểm tiền là gì?
Trả lời:
Đối tượng bảo hiểm của các đơn bảo hiểm tiền đó chính là tiền giấy và tất cả các phương tiện thanh toán có giá trị như tiền, chẳng hạn như: Vàng, bạc, đá quý, kim loại quý, cổ phiếu, trái phiếu, séc, thẻ tín dụng, các giấy tờ có giá trị, hoá đơn các loại cất trữ tại kho, két hoặc trong quá trình vận chuyển.
Câu hỏi 236: Phạm vi bảo hiểm trong bảo hiểm tiền được quy định như thế nào?
Trả lời:
Phạm vi bảo hiểm trong các đơn bảo hiểm tiền bao gồm các tổn thất, mất mát hoặc thiệt hại xảy ra theo các trường hợp sau đây:
1 – Tổn thất, mất mát của tiền trong quá trình vận chuyển;
2 – Tổn thất, mất mát của tiền khi lượng tiền đó được gửi qua đường bu điện (tiền mặt, trái phiếu, chứng khoán ngân hàng, séc, hoá đơn thanh toán…);
3 – Tổn thất mất mát khi tiền đang được giữ bởi người được bảo hiểm hoặc người đại diện hợp pháp của người được bảo hiểm;
4 – Tổn thất, mất mát khi tiền được để trong cơ sở kinh doanh của người được bảo hiểm, hoặc trong nhà riêng của người được bảo hiểm;
5 – Tổn thất, mất mát đối với tiền lưu giữ trong két an toàn của ngân hàng, kho bạc;
6 – Tổn thất, mất mát của tiền để trong két của các cơ quan, tổ chức kinh tế – xã hội khác.
Ngoài ra, đối với các đơn bảo hiểm cụ thể, DNBH có thể mở rộng phạm vi bảo hiểm cho các thiệt hại liên quan tới tai nạn cá nhân cho những người vận chuyển tiền, bảo hiểm cho những thiệt hại đối với trang thiết bị, quần áo cho những người vận chuyển, bảo hiểm cho két đựng tiền, máy đóng dấu tem, séc…khi người được bảo hiểm tham gia bảo hiểm thêm cho những điều khoản bổ sung này thì phải nộp thêm một khoản phí bảo hiểm nhất định.
Câu hỏi 237: Loại trừ bảo hiểm trong bảo hiểm tiền được quy định như thế nào?
Trả lời:
Trong bảo hiểm tiền cất giữ trong kho và bảo hiểm tiền trong quá trình vận chuyển, các loại trừ thay đổi tuỳ theo từng đơn bảo hiểm. Các trường hợp dưới đây là điển hình trong việc tăng thêm loại trừ đối với từng đơn bảo hiểm (trừ loại trừ thông thường là rủi ro chiến tranh, nhiễm phóng xạ…)
Các DNBH không chịu trách nhiệm thanh toán đối với các tổn thất do:
– Mất mát không rõ lý do;
– Sự không trung thực của người làm công không được phát hiện trong một thời gian ngắn;
– Tịch thu, quốc hữu hoá hoặc huỷ bỏ có chủ tâm bởi các cấp có thẩm quyền;
– Thiếu tiền do sai sót hay chểnh mảng;
– Tổn thất, huỷ hoại hoặc thiệt hại phát sinh bên ngoài lãnh thổ quốc gia;
– Tổn thất có thể thu hồi lại được nhờ việc thực hiện công việc trung thực của người được bảo hiểm;
– Tổn thất do két an toàn hoặc phòng an toàn bị mở bởi chìa khoá mà chủ cửa hàng bỏ quên trong khi đóng cửa (điều này được biết đến như là điều khoản chìa khoá, nó là điều kiện để các chìa khoá phải được cất giữ an toàn sau thời điểm kinh doanh và được giữ bởi một thành viên có thâm niên trong số các nhân viên của người được bảo hiểm);
– Tổn thất do mất giá;
– Tổn thất do phương tiện không được trông giữ;
– Mất tiền xu hoặc các hiện vật có giá trị tương tự trong các máy hoạt động bằng tiền xu.
Bảo Hiểm Bảo Việt