Ngành bảo hiểm rủi ro vì điều khoản miễn phí

Sau vụ việc một số công nhân lợi dụng cuộc biểu tình để phá hoại tài sản của nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, có lẽ các công ty bảo hiểm phải tính toán lại điều khoản hợp đồng bổ sung mà bấy lâu nay họ cung cấp gần như miễn phí cho doanh nghiệp.

 

Có lẽ các công ty bảo hiểm phải tính toán lại điều khoản hợp đồng bổ sung mà bấy lâu nay họ cung cấp gần như miễn phí cho doanh nghiệp.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết 27 hãng bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam có khách hàng bị thiệt hại trong vụ việc công nhân đình công, phá hoại tài sản doanh nghiệp tại Bình Dương vào khoảng giữa tháng 5-2014. Và chắc chắn kết quả kinh doanh trong năm nay của các công ty bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Ngành bảo hiểm bất ngờ

Hiện các doanh nghiệp bảo hiểm đang tiến hành giám định để gấp rút bồi thường cho khách hàng đối với những thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm. Rủi ro mà các công ty này đang bảo hiểm thuộc một điều khoản mở rộng kèm theo đơn bảo hiểm chính.

Theo đại diện truyền thông của Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam, “gây rối, đình công, bãi công, sa thải” là một điều khoản mở rộng có trong sản phẩm của Cathay. Hiện nay, Cathay cũng như đa số doanh nghiệp bảo hiểm khác thường tặng miễn phí cho khách hàng điều khoản này.

Một số hãng bảo hiểm cho biết có tính phụ phí cho điều khoản mở rộng này, bao gồm trong phí thu khi cấp đơn bảo hiểm. Tuy nhiên, nhìn chung, phí cho điều khoản mở rộng này vẫn ở mức thấp.

Giải thích về vấn đề này, ông Vương Việt Đức, Phó giám đốc Ban Giám định bồi thường của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, cho biết theo thống kê, thị trường bảo hiểm Việt Nam chưa từng đối mặt với rủi ro như vừa qua vì tình hình chính trị ở Việt Nam rất ổn định.

Theo Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam, qua sự việc lần này, công ty cũng đang cân nhắc đến việc thay đổi kết cấu tính phí cho sản phẩm, không tặng miễn phí như từ trước đến nay nữa. Cathay cũng cho biết sẽ có thông báo đến khách hàng sau khi có quyết định chính thức.

Còn đại diện của Bảo Việt thì cho biết: “Chắc chắn công ty cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm khác sẽ phải xem xét nguy cơ đối với rủi ro này, có thể điều chỉnh việc tính phụ phí khi nhận bảo hiểm”.

Trong nghiệp vụ bảo hiểm, thông thường các công ty bảo hiểm đều thực hiện tái bảo hiểm (tức đi bảo hiểm lại những rủi ro đã được bảo hiểm) để phân tán bớt trách nhiệm mà mình gánh chịu, đặc biệt đối với những rủi ro vượt quá khả năng tài chính của công ty bảo hiểm.

Tuy nhiên, đại diện của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ không muốn nêu tên cho biết, mặc dù công ty đã tái bảo hiểm hầu hết các hợp đồng nhưng không biết có nhận được tiền bồi thường trở lại trong trường hợp này hay không. Người này giải thích trong hợp đồng tái bảo hiểm có những điều khoản ràng buộc khá phức tạp, do đó, khả năng được trả bảo hiểm từ các công ty nhận tái bảo hiểm là chưa chắc chắn.

Gấp rút giải quyết cho khách hàng

Mặc dù bị bất ngờ, và chưa chắc chắn về việc có được các công ty nhận tái bảo hiểm trả tiền hay không, các công ty bảo hiểm vẫn đang tập trung kiểm tra, thẩm định,… để giải quyết cho khách hàng. Bởi lẽ, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa nhiều hãng nội địa cũng như nước ngoài. Nếu không lo giải quyết mọi việc một cách ổn thỏa, hãng bảo hiểm sẽ bị mất hình ảnh, đi đôi với việc mất khách hàng.

Theo Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, tính đến thời điểm này (khoảng cuối tháng 5-2014), Bảo hiểm Bảo Việt ước tính có 123 đơn bảo hiểm bị ảnh hưởng, trong đó có 63 đơn bảo hiểm thiệt hại về tài sản và 60 đơn thiệt hại liên quan đến xe cơ giới, chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ước tính thiệt hại ban đầu là 77 tỉ đồng bao gồm 2,5 triệu đô la Mỹ và trên 24 tỉ đồng.

Bảo hiểm Bảo Việt đã cam kết xử lý nhanh các vụ việc phát sinh đối với khách hàng tham gia bảo hiểm của công ty vì việc xác định thiệt hại không gây khó khăn đối với công ty. Đối với một số trường hợp có thiệt hại phức tạp và có giá trị lớn, Bảo Việt mời công ty giám định độc lập tiến hành giám định bồi thường.

Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam cũng cho biết đã nhận được thông báo tổn thất của khoảng 70 vụ từ phía khách hàng. Hiện công ty đang điều tra, đánh giá, thẩm định thiệt hại, hướng dẫn khách hàng hoàn tất các thủ tục cần thiết để có thể bồi thường trong thời gian nhanh nhất.

Theo ông Lộc, đối với những vụ việc lớn, tại nước ngoài, các hãng bảo hiểm thường mất từ 3-4 năm để bù đắp thiết hại cho doanh nghiệp mua bảo hiểm, nhưng đối với vụ việc trên tại Việt Nam, thời gian giải quyết sẽ nhanh hơn nhiều.

Doanh nghiệp được cả đền bù, lẫn hỗ trợ

Chỉ đạo của Thủ tướng, và thông tin từ công ty bảo hiểm cho thấy, doanh nghiệp bị thiệt hại trong vụ việc công nhân bị lôi kéo, kích động đập phá vào khoảng giữa tháng 5 vừa qua sẽ được hỗ trợ giảm, giãn thời gian nộp một số loại thuế, phí, đồng thời được các công ty bảo hiểm đền bù theo hợp đồng.

Theo Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam, công ty này sẽ bồi thường theo mức thiệt hại thực tế và tối đa không vượt quá mức giới hạn trách nhiệm trên hợp đồng bảo hiểm, không cấn trừ khoản hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp.

Theo kết luận của Thủ tướng về việc giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh, các công ty bị thiệt hại sẽ được nhận một số hỗ trợ. Chẳng hạn như, doanh nghiệp thiệt hại được gia hạn tối đa hai năm thời gian nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đối với số phát sinh trước tháng 5-2014 mà chưa nộp, tương ứng với mức độ thiệt hại.

Ngoài ra, những hàng hóa bị tổn thất sẽ được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp bị thiệt hại đang có nợ thuế vẫn được thông quan. Hay, doanh nghiệp được giảm tối đa 30% số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong năm 2014 nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường.

Ghi nhận thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng yêu cầu bảo hiểm đền bù. Vị giám đốc của một công ty chuyên gia công giày xuất khẩu có trụ sở tại Bình Dương cho biết, theo hợp đồng, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường nếu xảy ra thiệt hại trên 2.000 đô la Mỹ cho một vụ. Với trường hợp bị thiệt hại như vừa rồi của công ty này (cổng và cửa kính bị đập phá,…), bảo hiểm sẽ phải chi trả, tuy nhiên, doanh nghiệp đã không đòi bồi thường vì ngại mất thời gian làm hồ sơ, thủ tục khi khoản tiền được nhận chỉ tầm trên chục triệu đồng.

Theo (TBKTSG)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.