Lỗ nghiệp vụ bảo hiểm vẫn là chuyện thường ngày tại DN bảo hiểm phi nhân thọ. Thế nhưng, những động thái mạnh gần đây từ phía cơ quan quản lý cũng như từ chính các DN đã cho thấy, lãi nghiệp vụ của toàn khối này sẽ không còn xa nếu từng DN quyết tâm cải cách lớn trong thiết kế sản phẩm và quản trị DN.
Ít nhất 5 nghiệp vụ đang bị lỗ
Theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã có nhiều nghiệp vụ thua lỗ trong nhiều năm liền, điển hình như bảo hiểm tàu biển lỗ 13 năm; bảo hiểm sức khỏe lỗ 7 năm; bảo hiểm xây dựng lắp đặt và bảo hiểm xe cơ giới, cùng lỗ 6 năm; bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt nhóm 1, nhóm 2… Một số sản phẩm bảo hiểm mang lại lãi như bảo hiểm xe máy, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp…, nhưng số lãi không đáng kể, chủ yếu là những sản phẩm có doanh thu thấp, tỷ lệ bồi thường thấp và chi phí không quá cao.
Lỗ từ các nghiệp vụ bảo hiểm khiến DN bị lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, gây lỗ sau thuế. Năm 2013, số DN bảo hiểm lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn chiếm trên 50%, với 15/29 DN bị lỗ, tăng nhẹ so với con số 13/29 DN lỗ trong năm 2012. Trong khi đó, số DN bảo hiểm phi nhân thọ có lãi lại giảm so với năm 2012, với 21/29 DN có lãi trước thuế (năm 2012 có 22/29 DN lãi trước thuế).
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân khiến các DN bảo hiểm lỗ nghiệp vụ chủ yếu vẫn là do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN (giảm phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm, tăng chi phí hoạt động kinh doanh…), ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của từng DN cũng như toàn thị trường.
Cải cách nào?
Để đạt được mục tiêu hoạt động kinh doanh nghiệp vụ hiệu quả cho khối DN bảo hiểm phi nhân thọ cần có sự chung tay quyết liệt hơn của cả thị trường, từ cơ quan quản lý, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) đến chính các DN bảo hiểm.
Tại Hội thảo “Bảo hiểm thân tàu biển Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” được tổ chức cuối năm 2013, các bên tham gia đã đề ra nhiều giải pháp chặn lỗ, hướng tới hòa vốn, có lãi cho lĩnh vực bảo hiểm này.
Hội nghị ngành bảo hiểm vừa diễn ra cuối tháng 2/2014, cũng đã thống nhất hàng loạt giải pháp quản lý giám sát. Theo đó, năm 2014, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục phối hợp với AVI rà soát các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các nghiệp vụ bảo hiểm bị lỗ, từ đó đưa ra các điều chỉnh, đảm bảo an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động theo quy định tại Điều 40, Thông tư 124/2012/TT-BTC (TT124).
Cụ thể, sẽ xây dựng và phê duyệt quy tắc, biểu phí bảo hiểm thân tàu; phê duyệt quy tắc và biểu phí bảo hiểm vật chất xe cơ giới của các DN bảo hiểm phi nhân thọ. Cùng với đó, rà soát, đánh giá hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ của các DN. Trên cơ sở đó, yêu cầu các DN bảo hiểm này điều chỉnh và phê chuẩn lại. Mặc khác, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng sẽ cùng AVI xây dựng quy tắc điều khoản bảo hiểm mẫu và khuyến khích DN áp dụng.
Riêng với bảo hiểm vật chất ô tô, các DN bảo hiểm sẽ xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm và báo cáo Bộ Tài chính. Sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận, các DN sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/6/2014.
Bảo hiểm xe máy, hàng hóa vận chuyển là những nghiệp vụ có lãi
DN sẵn sàng cắt lỗ nghiệp vụ
Cùng với các giải pháp quyết liệt từ phía cơ quan quản lý, bản thân các DN bảo hiểm cũng tự tìm hướng đi riêng, nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động của từng nghiệp vụ. Theo đó, hầu hết các đơn vị trong khối đều lựa chọn theo hướng cơ cấu lại sản phẩm, giảm quy mô các sản phẩm bị lỗ hoặc không có lãi, phát triển sản phẩm mới, trong đó chú trọng đến các sản phẩm bảo hiểm phi tài sản và các sản phẩm mà phân khúc thị trường ít cạnh tranh như sản phẩm bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm trách nhiệm.
Bên cạnh đó, các DN cũng kiến nghị ngay trong Hội nghị ngành lần này, là cần tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các DN, từ đó giúp các DN hạn chế bảo hiểm những dịch vụ xấu, giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phát hiện và ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm…
Chia sẻ với ĐTCK, các DN bảo hiểm cho biết, trong năm 2014 sẽ quyết tâm cải cách để sản phẩm đã và đang lỗ bớt lỗ, trong khi các sản phẩm có lãi sẽ lãi thêm. Ngay từ năm 2013, một số DN đã nỗ lực tự “cứu mình” và bước đầu mang lại kết quả khả quan.
PJICO cho biết, trong số các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ mà DN đang khai thác, các nghiệp vụ hàng hóa, tài sản kỹ thuật, con người đều đang hoạt động hiệu quả, nghiệp vụ tàu thủy, xe cơ giới, lợi nhuận vẫn âm, nhưng trong năm 2013, số lỗ đã giảm đáng kể so với các năm trước. Việc kiểm soát công tác giám định, bồi thường cũng đã được chú trọng và có chuyển biến rõ nét.
“Tỷ lệ bồi thường tại PJICO năm 2013 là 45%, giảm 2%, tương đương giảm 39 tỷ đồng so với 2012 và xuống mức bình quân của toàn thị trường. Cùng với đó là tiết kiệm, chống lãng phí và kiểm soát chi phí cũng được thực hiện quyết liệt. Số tiền vượt định mức chi phí của các đơn vị đã giảm từ khoảng 123 tỷ đồng năm 2012 xuống còn khoảng 75 tỷ đồng năm 2013”, DN này cho biết.
Với Bảo Minh, bên cạnh nâng cao hiệu quả hoạt động từ các nghiệp vụ, năm 2013, Công ty thực hiện giao kế hoạch đối với từng mảng và phấn đấu hoàn thành. Kết quả, lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2013 của Bảo Minh đạt gần 55 tỷ đồng, trong khi năm 2012 chỉ lãi 1 tỷ đồng. Đây là năm thứ 4 Bảo Minh không lỗ trong kinh doanh bảo hiểm.
Theo AVI, những việc làm này trong năm qua của khối DN bảo hiểm phi nhân thọ đã phần nào cho thấy những quyết tâm loại bỏ cạnh tranh phi kỹ thuật bằng việc giảm phí, mở rộng điều khoản bảo hiểm…, bởi điều này không giúp các đơn vị có thể phát triển bền vững, thậm chí còn khiến nhiều DN thua lỗ kéo dài khi phí thu được không đủ để bù chi.
Hướng tới năm 2014, hầu hết các DN trong khối đều bày tỏ quyết tâm chú trọng tăng trưởng về chất hơn lượng, đi đôi với siết chặt hơn hệ thống quản lý kinh doanh, quản lý nghiệp vụ và đặc biệt là quản lý tài chính, sẵn sàng thay thế nhưng nhân sự đứng đầu các đơn vị yếu kém, vi phạm kỷ luật tài chính…
PJICO cũng cho biết sẽ tập trung điều hành toàn hệ thống phát triển mạnh các nghiệp vụ đang có lãi như hàng hóa, tài sản kỹ thuật, con người; duy trì và tăng trưởng hợp lý kết hợp song song với việc kiểm soát chi phí, chất lượng dịch vụ để phấn đấu hòa vốn tiến tới có lãi đối với các nghiệp vụ bảo hiểm ô tô, tàu thủy.
Có thể thấy, những nỗ lực của DN bảo hiểm phi nhân thọ trong cắt lỗ nghiệp vụ, hướng tới tăng lãi trong năm qua đã phần nào được phản ánh vào con số chung của toàn thị trường. Mặc dù một số nghiệp vụ vẫn còn lỗ, nhưng với các nghiệp vụ có lãi đã có sự tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận. Năm 2013, số lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của khối này tăng 12,5% (đạt hơn 1.010 tỷ đồng) so với năm 2012.
Theo đánh giá của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, các chỉ số trên đã cho thấy nỗ lực của khối trong việc khai thác bảo hiểm, hiệu quả hoạt động dẫu có sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng doanh thu so với các năm trước, nhưng tương lai lãi nghiệp vụ của toàn khối sẽ không còn xa.