Quy luật “cung cầu”
Kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ dang dở trong năm 2013 đã được một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khởi động lại. Nhờ kế hoạch này mà các hoạt động đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong ngành hứa hẹn sẽ sôi động hơn. Theo dự báo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2014, bảo hiểm sẽ đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 120.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 2/2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp giấy phép thành lập cho Công ty Quản lý quỹ Dai-ichi Life Việt Nam, với số vốn điều lệ 25 tỷ đồng, thực hiện các nghiệp vụ quản lý đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán… Cũng trong tháng 2, Công ty Quản lý quỹ Manulife Việt Nam chính thức được tăng vốn điều lệ từ 53 tỷ đồng lên 83 tỷ đồng, nhằm mở rộng hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam. Trước đó, trong năm 2013, ACE Life cũng công bố công ty quản lý quỹ của riêng mình. Dự kiến, trong tháng 6/2014, công ty quản lý quỹ của ACE Life và Dai-ichi Life Việt Nam sẽ chính thức khai trương.
Được biết, ACE Life FMC (Công ty quản lý quỹ của ACE Life) ngay từ khi mới thành lập đã quản lý nguồn vốn hơn 2.200 tỷ đồng từ ACE Life tại Việt Nam. Theo ông Lâm Hải Tuấn, Phó chủ tịch cấp cao ACE Life toàn cầu kiêm Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc ACE Life tại Việt Nam, công ty quản lý quỹ cũng sẽ thực hiện việc gọi vốn đầu tư từ các nguồn khác theo từng bước một cách thận trọng. Bởi công ty quản lý quỹ này là một phần của ACE Life, nên mọi hoạt động vẫn sẽ phải đảm bảo uy tín cho cả Công ty và Tập đoàn mẹ ở Mỹ.
Ông Lâm Hải Tuấn cho biết, việc thành lập ACE Life FMC nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của ACE Life tại Việt Nam. Những người có nhu cầu đầu tư tài chính cá nhân lâu dài chính là những đối tượng mà ACE Life FMC sẽ nhắm tới cho các sản phẩm về quỹ.
“Phân khúc này luôn tồn tại và sẽ ngày càng mở rộng trong nền kinh tế Việt Nam. Bởi lẽ, khi người dân dư dả sẽ phát sinh những nhu cầu đầu tư tài chính cá nhân an toàn. Về lâu dài, kênh đầu tư này chắc chắn sẽ mang lại lợi tức cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngắn hạn”, ông Lâm Hải Tuấn nhận định.
Đối với Dai-ichi Life Việt Nam, việc thành lập công ty quản lý quỹ sẽ giúp tăng cường hoạt động kinh doanh cho Dai-ichi Life Việt Nam thông qua việc quản lý đầu tư chuyên nghiệp các dòng sản phẩm bảo hiểm hưu trí, sản phẩm liên kết đầu tư, sản phẩm liên kết đơn vị và tối đa hóa lợi nhuận từ việc quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, nhằm cung cấp thêm nhiều giá trị thiết thực cho khách hàng tại Việt Nam.
Chính thức hoạt động kinh doanh từ năm 2007, Dai-ichi Life Việt Nam đã cung cấp các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho hơn 950.000 khách hàng Việt Nam thông qua đội ngũ 575 nhân viên và hơn 20.000 tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Hiện nay, tổng giá trị tài sản do Công ty quản lý đã vượt hơn 4.000 tỷ đồng.
Thực tế, ngoài việc phải có công ty quản lý quỹ riêng để hoạt động đầu tư chuyên nghiệp và lớn mạnh hơn, thì việc sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện đã chính thức ra mắt cũng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nỗ lực đẩy nhanh kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ để quản lý nguồn tiền này. Hiện tại, trong số hơn chục doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam, đã có khoảng 6 doanh nghiệp có công ty quản lý quỹ và “làn sóng” thành lập công ty quản lý của các công ty bảo hiểm nhân thọ dự báo tiếp tục lan rộng, nhất là khi sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng như những quy định mới của các cơ quan chức năng đang mở đường cho ngành này phát triển hơn.
CEO một công ty bảo hiểm vừa thành lập công ty quản lý quỹ cho rằng, ngành bảo hiểm và quản lý quỹ luôn song hành phát triển ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Công ty quản lý quỹ sẽ dùng nguồn thu từ công ty bảo hiểm đầu tư lại vào nền kinh tế, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ hay bất động sản, cổ phiếu và các loại chứng khoán khác. Việt Nam cũng không thể ngoại lệ.
Định hướng lâu dài
Nhận định về “làn sóng” mới trong việc thành lập công ty quản lý quỹ từ các công ty bảo hiểm, CEO một công ty quản lý quỹ cho rằng, đây là xu hướng tất yếu. Bởi các doanh nghiệp bảo hiểm có danh mục tài sản khá lớn, nên cần có công ty con là công ty quản lý quỹ để quản lý. Hơn nữa, trong tương lai, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đa dạng hóa sản phẩm của mình, đồng nghĩa với việc tăng các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến đầu tư, trong đó bao gồm cả sản phẩm hưu trí. Chính vì thế, thành lập công ty quản lý quỹ cũng là định hướng lâu dài của các công ty bảo hiểm.
Trả lời câu hỏi của ĐTCK, liệu các công ty bảo hiểm có nhận định hơi quá về tiềm năng của phân khúc bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam hay không, vì sau một năm triển khai, thị trường vẫn còn khá èo uột? Vị CEO trên cho biết, sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện chưa bán được không có nghĩa là kỳ vọng của các doanh nghiệp bảo hiểm là sai. Thị trường sản phẩm hưu trí là thị trường hết sức tiềm năng, xu thế tích lũy hưu trí là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là nhận thức của người dân đã đủ về việc tích lũy cho hưu trí hay chưa? Họ có thoải mái với khái niệm đầu tư bây giờ và 30, 40 năm sau mới được lấy tiền ra hay không? Sản phẩm hưu trí đã có đủ cơ chế ưu đãi về thuế hay chưa?
Thực tế, ở bất kỳ thị trường nào trên thế giới cũng cần một thời gian dài để phát triển nhận thức này. Bên cạnh đó, cũng cần có các cơ chế ưu đãi thuế, khuyến khích người dân tích lũy cho hưu trí… Đây là những yếu tố quan trọng cho sự bắt đầu của các sản phẩm hưu trí.
“Định hướng lâu dài của các doanh nghiệp là đa dạng hóa sản phẩm tài chính, trong đó đầu tư đóng một vai trò quan trọng. Sở hữu một công ty con quản lý quỹ giúp doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong chiến lược sản phẩm của mình, đồng thời đảm bảo thông tin về sản phẩm, chiến lược được bảo mật tối đa”, vị CEO trên chia sẻ.