Tối 27/5, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Chính sách bảo hiểm hưu trí: kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị đối với xây dựng Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).”
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dương Ngọc/TTXVN)
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, kinh nghiệm quốc tế về xu hướng cải cách chính sách bảo hiểm hưu trí trên thế giới và Việt Nam; đánh giá tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm hưu trí; dự báo tác động của chính sách đối với người lao động, người sử dụng lao động và đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội cần quan tâm tới 2 mục tiêu. Thứ nhất: đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Nhà nước có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Thứ hai đảm bảo an toàn, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo cân đối với thời gian hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam Gyorgy Sziraczki đánh giá bảo hiểm xã hội là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Dự án Luật cần quan tâm tới các nội dung về mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; tạo sự công bằng xã hội… Ông Gyorgy Sziraczki khẳng định Tổ chức lao động quốc tế sẽ luôn đồng hành với Việt Nam, chia sẻ các kinh nghiệm để các bên hữu quan lựa chọn, quyết định các chính sách.
Giới thiệu về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh các nội dung về bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội; bổ sung thẩm quyền của tổ chức bảo hiểm xã hội, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn…
Trên cơ sở đánh giá bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh xã hội, các ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội lần này phải đáp ứng sự đa dạng về nhu cầu an sinh xã hội của các tầng lớp nhân dân, người lao động, người sử dụng lao động, công đoàn và Nhà nước.
Nói về một số định hướng hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam, TS Nguyễn Lan Hương, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đề cập các giải pháp gồm: bao phủ toàn dân; hướng tới khu vực phi chính thức và lao động tự do; các gói ngắn hạn khác nhau hoặc kết hợp ngắn hạn với dài hạn; hỗ trợ của nhà nước (tối thiểu) đối với các nhóm không có khả năng tham gia; bình đẳng nam- nữ.
Anh Carlos Galian (Văn phòng ILO) tại Việt Nam đã nêu lên những khuyến nghị từ ILO gồm: tăng tuổi nghỉ hưu lên 65; áp dụng lương thực tế để đóng bảo hiểm; hướng tới một chế độ hưu trí toàn diện hơn: chế độ hưu trí tự nguyện bổ sung và kết nối giữa Luật bảo hiểm xã hội với trợ cấp xã hội cho người già…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận về xu hướng cải cách chính sách bảo hiểm hưu trí trên thế giới; tình hình tài chính quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất của Việt Nam và một số khuyến nghị cho cải cách chính sách bảo hiểm hưu trí của Việt Nam từ thực tiễn quốc tế; các chuyên gia bình luận về việc sửa đổi chính sách bảo hiểm hưu trí trong dự thảo Luật…
Thông tin chia sẻ tại Hội thảo này sẽ cung cấp cho các đại biểu một cái nhìn tổng thể, toàn diện, góp phần hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII để các đại biểu Quốc hội thảo luận trong những ngày tới./.
Nguồn Vietnamplus.vn