Chiều 6/6, Bộ Tài chính phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tổ chức cho các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng tiền bồi thường bảo hiểm cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị thiệt hại do một số kẻ quá khích lợi dụng biểu tình để đập phá hồi giữa tháng 5 vừa qua.
Tạm ứng tiền bồi thường cho các DN tại tỉnh Bình Dương bị thiệt hại trong sự việc xảy ra hồi giữa tháng 5 vừa qua
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bước đầu xác định được thiệt hại của một số doanh nghiệp thuộc phạm vi bảo hiểm và đã chủ động kế hoạch bồi thường kịp thời.
Cụ thể, đã có 113 doanh nghiệp được xác định bị thiệt hại thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại với tổng số tiền được bồi thường là hơn 114 tỷ đồng.
Trong đó, có 87 doanh nghiệp của Đài Loan được bồi thường hơn 59 tỷ đồng, 4 doanh nghiệp của Hồng Kông được bồi thường hơn 21 tỷ đồng, 3 doanh nghiệp Singapore được bồi thường hơn 28 tỷ đồng, 3 doanh nghiệp Hàn Quốc được bồi thường hơn 3 tỷ đồng…
Các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia trả tiền tạm ứng bồi thường cho các khách hàng trong đợt này, gồm: Bảo Việt, Bảo Minh, Pjico, Ca Thay, Sam Sung Vina, Fu Bon, MSIG…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã làm việc trực tiếp với các địa phương, các doanh nghiệp và hướng dẫn, ban hành kịp thời 9 giải pháp về tài chính để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương phối hợp với các doanh nghiệp bị thiệt hại và địa phương để xác định thiệt hại, tiến hành bồi thường sớm.
Theo ông Dũng, số tiền tạm ứng bồi thường này mặc dù chưa đáp ứng được hết nguyện vọng của các doanh nghiệp, tuy nhiên, đã khẳng định được cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm đối với khách hàng và là nguồn kinh phí cần thiết trợ giúp cho các doanh nghiệp khắc phục một phần khó khăn để sớm ổn định sản xuất trở lại. Đồng thời, Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho các doanh nghiệp để ổn định sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử – baodautu.vn, ông Kent Tech, Giám đốc sản xuất Công ty Công ty TNHH sản xuất may mặc Esquel Việt Nam (KCN VSIP 1) cho biết, mặc dù là doanh nghiệp bị thiệt hại khá nặng, nhưng chỉ sau hơn 2 tuần tích cực khắc phục, doanh nghiệp đã đưa một số xưởng sản xuất trở lại hoạt động. Theo đại diện của doanh nghiệp, ngoài sự hỗ trợ tích cực của chính quyền thì doanh nghiệp bảo hiểm đã kịp thời có sự phối hợp, giúp sức rất nhiều cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, sớm sản xuất trở lại. Được biết, Bảo Việt đã tạm ứng hơn 21 tỷ đồng cho Esquel Việt Nam để doanh nghiệp này hoạt động trở lại sớm hơn dự kiến.
Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính có những hướng dẫn về một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ để giúp địa phương tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện. Bộ trưởng Dũng cho biết sẽ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để tỉnh Bình Dương triển khai, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Theo (Baodautu)