Ngày 22-11-2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 – 2020. Trong Nghị quyết này, một trong những vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và người lao động là vấn đề bảo toàn, phát triển bền vững Quỹ BHXH, BHYT. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn đồng chí Đỗ Văn Sinh (ảnh), Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chung quanh vấn đề này. Website BHXH trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh. Ảnh: Dương Mai
Thưa đồng chí, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ, BHXH, BHYT là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Cho đến nay, hai chính sách này đã đạt được những kết quả cơ bản nào góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị – xã hội?
Trong những năm qua, để thực hiện tốt hai chính sách lớn là BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước, thì một hệ thống pháp luật về các chính sách này đã từng bước được hoàn thiện phù hợp, đưa đến kết quả là số người tham gia BHXH, BHYT tăng dần qua các năm. Việc thực hiện việc chi trả lương hưu và các chế độ theo quy định của pháp luật, quyền lợi của người tham gia ngày càng được mở rộng. Trong đó, việc hình thành, có kết dư và bảo toàn, tăng trưởng, tham gia đầu tư góp phần phát triển KT-XH của Quỹ BHXH, BHYT được đánh giá là một trong những thành công lớn của hệ thống tổ chức BHXH Việt Nam. Cùng với sự lớn mạnh của hệ thống tổ chức BHXH Việt Nam, sự hình thành và phát triển của các quỹ tài chính trên cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao bảo đảm để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh – xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác quản lý BHXH, BHYT còn một số hạn chế, yếu kém. Đó là diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động, số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 65% dân số. Công tác quản lý nhà nước (QLNN) chưa đáp ứng yêu cầu, việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách còn có thiếu sót. Đáng quan ngại là tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT còn nhiều, việc quản lý và sử dụng Quỹ BHXH chưa chặt chẽ. Quỹ BHXH, nhất là Quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần; tình trạng người lao động lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp xảy ra khá phổ biến. Quỹ BHYT luôn tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt; việc khám, chữa bệnh theo BHYT về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của người tham gia.
Theo đồng chí, trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã khẳng định những nội dung cơ bản nào để đưa hai chính sách lớn này vào thực tiễn cuộc sống?
Trong Nghị quyết số 21, Bộ Chính trị đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém là do nhiều cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Sự phối hợp giữa các cơ quan QLNN và cơ quan BHXH trong việc thực hiện chế độ chưa chặt chẽ. Nghị quyết cũng khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT còn yếu kém, trong khi hệ thống quản lý BHXH, BHYT chưa được hiện đại hóa, thiếu tính chuyên nghiệp, tính chủ động tiếp cận với người lao động và người sử dụng lao động. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.
Chính vì xác định rõ đây là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh – xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị – xã hội và phát triển KT-XH… nên Bộ Chính trị đã nêu rõ các quan điểm, nguyên tắc, giải pháp cần thiết trong Nghị quyết rất quan trọng này. Trong đó, quan điểm chỉ đạo là phải mở rộng, hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT với bước đi, lộ trình phù hợp; dứt khoát phải tuân thủ nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm sự công bằng và tính bền vững của cả hệ thống. Và cuối cùng, Bộ Chính trị khẳng định, việc thực hiện tốt hai chính sách lớn này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân. Đáng lưu ý là việc sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT… là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đồng chí có thể nói rõ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ sử dụng an toàn, bảo đảm cân đối hai Quỹ BHXH, BHYT? Tại sao lại nói đó là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định?
Theo các chức năng sử dụng thì rõ ràng nguồn Quỹ BHXH, BHYT phải được bảo đảm an toàn và luôn sẵn sàng để kịp thời chi trả cho người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Vì những rủi ro, nguy cơ trong cuộc sống, về sức khỏe luôn trong tình trạng thường trực, có thể đến với bất kỳ ai, vào bất cứ lúc nào. Nghị quyết cũng khẳng định cần sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Đây là hai quỹ xã hội, là nguồn kinh phí để phục vụ mục tiêu an sinh xã hội của toàn thể nhân dân. Năm 2014, ngành BHXH Việt Nam phải tổ chức thu tiền đóng BHXH,BHYT khoảng 193.000 tỷ đồng, và tổ chức chi trả khoảng 190.000 tỷ đồng cho hơn hai triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng, cho hàng triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và khoảng hơn 120 triệu lượt khám chữa bệnh nội, ngoại trú… do đó việc quản lý, sử dụng các quỹ phải luôn đặt mục tiêu an toàn, bảo đảm cân đối lâu dài, vững chắc, là chỗ dựa tin cậy của mọi tầng lớp, người lao động và nhân dân. Vì vậy, Nghị quyết đã đặt ra yêu cầu hết sức quan trọng là phải thực hiện nguyên tắc bảo đảm an toàn, độ tin cậy cao trong hoạt động quản lý Quỹ BHXH, BHYT.
Để bảo đảm tính bền vững quỹ BHXH, BHYT trong thời gian tới cần phải phát triển, tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong đó coi trọng BHXH tự nguyện là định hướng rất quan trọng. Bởi lẽ đây là đối tượng chiếm số lượng đông đảo trong xã hội, là những người nông dân, lao động tự do, người thu nhập thấp… là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Do đó, mặc dù biết rõ là sẽ có nhiều khó khăn, nhưng việc phát triển BHXH tự nguyện cần được quan tâm thực hiện, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị-xã hôi, các đoàn thể và bản thân mỗi người dân. Bên cạnh đó, Đảng ta nêu rõ định hướng nhất quán, khẳng định con đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tốt nhất, hiệu quả nhất trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phải thực hiện BHYT toàn dân.
Xin cảm ơn đồng chí!
Kim Hoa (Thực hiện)