Chủ nhiệm UBVCVĐCQH Trương Thị Mai: Luật Hình sự cần có tội chiếm dụng tiền BHXH

“Bộ luật Hình sự sửa đổi phải có quy định với trường hợp chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động hoặc trốn đóng BHXH” – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Bên lề Kỳ họp thứ 07 Quốc hội khóa XIII, trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng để hạn chế tình trạng một bộ phận doanh nghiệp, đơn vị lấy lý do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế để trốn đóng, nợ đọng, chây ỳ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, Dự án Luật BHXH sửa đổi đã tăng cường thêm việc xử lý trách nhiệm trong việc đóng BHXH cho người lao động: “Chúng tôi đã đề nghị, để đồng bộ điều này, Bộ luật Hình sự sửa đổi phải có quy định với trường hợp chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động hoặc trốn đóng BHXH. Việc tăng chế tài đã được thảo luận nhiều lần nhưng hiện nay mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính. Chủ trương lần này sẽ tăng xử phạt, tăng chế tài, vì nợ đọng BHXH đang rất nhức nhối và ảnh hưởng nhiều đến người lao động”.

 

Về kiến nghị của Ngành BHXH về việc giao quyền thanh tra BHXH cho Ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất: “Theo Luật Thanh tra, chưa xử lý được chức năng thanh tra cho tổ chức xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ giao cho ngành LĐ-TB&XH làm công tác thanh tra BHXH, tôi cho rằng điều này bất khả thi. Bởi bấy lâu nay ngành này cũng đã đảm nhận việc này nhưng lực lượng rất mỏng. Thêm vào đó, phải thanh tra tất cả các chính sách cấp bậc liên quan chứ không riêng về vấn đề BHXH, BHYT, BHTN. Nếu Quốc hội quan tâm, dành cho Ngành BHXH chức năng thanh tra hoặc bổ sung thêm thẩm quyền, thì với một bộ máy hơn 20.000 cán bộ, công chức, viên chức, cùng việc thành lập bộ phận tranh tra riêng, sẽ giúp việc thanh tra được thực hiện thường xuyên hơn và bảo vệ quyền lợi cho người lao động hiệu quả hơn”.

 

Về việc quản lý Quỹ BHXH và thông tin “cần tăng tuổi hưu vì lo vỡ Quỹ BHXH” mà dư luận đang quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội giải thích rõ: “Trong báo cáo của tôi trước Quốc hội có đề cập đến nguy cơ dẫn đến vỡ Quỹ BHXH nhưng nếu chúng ta điều chỉnh chỉnh sách thì nguy cơ vỡ quỹ sẽ không xảy ra. Chẳng hạn như điều chỉnh mức đóng ngưỡng của tiền lương hưu cho hợp lý, tăng tuổi nghỉ hưu căn cứ vào điều 187 Luật Lao động để tăng thời gian làm việc, tăng thời gian đóng, giảm thời gian hưởng, nguy cơ vỡ quỹ sẽ kéo dài hơn. Hay như tăng đối tượng đóng BHXH cho người có hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc bổ sung đối tượng học viên quân đội, công an cơ yếu, người nước ngoài tại Việt Nam, đội ngũ cán bộ không chuyên trách tại xã, phường… Như vậy, lực lượng đóng BHXH theo diện bắt buộc sẽ tăng lên…. Quản lý Quỹ BHXH hiện nay đang “thu theo luật, chi theo luật” nên rất an toàn. Trừ một trường hợp đang có vướng mắc, làm ảnh hưởng tới quỹ nhưng chỉ một phần trong quỹ mà thôi. Nếu đầu tư quỹ thì cũng chỉ dám đầu tư vào những lĩnh vực an toàn như đầu tư vào các ngân hàng nhà nước, trái phiếu Chính phủ… chứ chưa đầu tư vào các dự án công trình lớn…. Việc tăng tuổi nghỉ hưu để thêm nguồn Quỹ BHXH, theo Điều 187 Bộ luật Lao động, đã cho phép tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm quản lý, chuyên môn kỹ thuật. Đề xuất của Chính phủ hiện nay cũng là tăng tuổi nghỉ hưu. Tôi ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Mỗi năm cả nước ta có khoảng 300 nghìn người nghỉ hưu. Nhưng thị trường lao động khoảng 1 triệu người, nên chúng ta đang trong thời kỳ cơ cấu lực lượng lao động đang cao hơn tỷ lệ phụ thuộc, đến lúc nào hai tỷ lệ này bằng nhau thì dứt khoát phải tăng tuổi nghỉ hưu”.

PV
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.