Chiều 22/5, Bộ Y tế có buổi gặp mặt báo chí và công bố những điểm sửa đổi trong dự thảo Luật bảo hiểm y tế (BHYT) đang được trình Quốc hội trong kỳ họp này.
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, dự thảo Luật có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó có những nội dung mới, có tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay,nhiều quy định mới được coi là có lợi cho người dân hơn, tăng tính hấp dẫn của tấm thẻ BHYT.
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế)
trao đổi với phóng viên về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Bảo hiểm y tế
Quy định bắt buộc tham gia BHYT: Việc quy định BHYT bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách theo lộ trình cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đảm bảo an sinh xã hội (kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ áp dụng nguyên tắc bắt buộc mới có thể tiến tới BHYT toàn dân). Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Quy định tham gia BHYT theo Hộ gia đình: Tham gia BHYT theo hộ gia đình là hình thức mà các Quốc gia hiện nay đang thực hiện để bao phủ chăm sóc sức khỏe. Luật BHYT hiện hành đã quy định việc tham gia BHYT theo hộ gia đình nhưng chưa quy định bắt buộc 100% thành viên phải tham gia nên tính tuân thủ chưa cao.
Khi mua BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi. Người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ 1. Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ 1. Trước kia người thứ 2 chỉ được giảm 10% so với người đầu tiên.
Bổ sung đối tượng tham gia BHYT: Ngoài đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn đã được nhà nước mua thẻ BHYT, nay bổ sung đối tượng là những người dân tộc Kinh đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn cũng được cấp thẻ bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Về BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi: Quy định mới yêu cầu trong vòng 3 tháng trẻ sinh ra, thậm chí sớm hơn là 60 ngày theo Luật hộ tịch, UBND xã/phường nơi trẻ sinh sống phải tiến hành các thủ tục, cấp thẻ BHYT cho trẻ cùng với việc cấp giấy chứng sinh, khai sinh. Thẻ này có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ có thể có giá trị đến ngày 31/9 của năm đó, để trường nơi các cháu học kịp mua thẻ BHYT học sinh cho trẻ.
Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả; Đối với gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả, luật hiện hành quy định phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế đầy đủ, toàn diện, không giới hạn dịch vụ y tế được cung cấp dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát được chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo trình Quốc hội bổ sung khái niệm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả là những dịch vụ y tế thiết yếu cho cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế”. Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định việc sửa đổi này sẽ không làm giảm đi quyền lợi của người dân khi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế…, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Phạm vi quyền lợi BHYT: Hiện tại, khám chữa bệnh cận thị, tật khúc xạ của mắt nặng không được chi trả BHYT. Việc thanh toán BHYT đối với tai nạn giao thông cũng rất khó thực hiện do những phức tạp trong thủ tục, thời gian xác định có vi phạm pháp luật hay không, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Từ nay trở đi, sẽ thanh toán điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ cho trẻ dưới 6 tuổi; thanh toán khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.
Mức hưởng bảo hiểm y tế: Bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội. Mức hưởng BHYT của thân nhân người có công với cách mạng (cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ) tăng từ 80% lên 100%; các thân nhân khác của người có công với cách mạng từ 80% lên 95%. Mức hưởng BHYT của người thuộc hộ cận nghèo cũng tăng từ 80% lên 95%.
Quỹ BHYT thanh toán 100% tiền khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh tham gia BHYT liên tục trên 5 năm, đồng thời số tiền cùng chi trả khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Tuy nhiên, việc thanh toán 100% này không áp dụng nếu bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục.
Bệnh nhân vượt tuyến lên BV tuyến TƯ chỉ được thanh toán 20% chi phí, thay vì 30% như hiện nay. Mức thanh toán khi đi khám chữa bệnh vượt tuyến ở tuyến tỉnh, huyện vẫn giữ nguyên là 50% và 70% như cũ.
Phân bổ sử dụng, quản lý và xử lý kết dư, bội chi quỹ BHYT: BHYT ở địa phương không tiêu hết số tiền quỹ trong năm đó thì cũng không được trích lại. Trường hợp địa phương bội chi, UBND tỉnh/TP có trách nhiệm bổ sung 20% số bội chi từ ngân sách địa phương. Quy định này làm gia tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc sử dụng hợp lý quỹ BHYT.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, để người dân hoàn toàn yên tâm với việc phân tuyến khám chữa bệnh và tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, Bộ Y tế đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho tuyến dưới, cho y tế cơ sở; chú trọng công tác đào tạo cán bộ, thực hiện luân phiên, luân chuyển cán bộ, áp dụng kinh nghiệm của bệnh viện vệ tinh… nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
Trả lời thắc mắc, những người tham gia bảo hiểm y tế vẫn phải trả một khoản tiền túi đáng kể khi ốm đau, dẫn đến tình trạng “thờ ơ” với bảo hiể y tế, bà Hương cho biết, giảm chi phí tiền túi của nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của bảo hiểm y tế. Theo bà Hương, trong thời gian tới, số lượng người tham gia bảo hiểm y tế tăng lên, quỹ bảo hiểm y tế đủ lớn, nhờ đó sẽ giảm chi phí tiền túi của người bệnh.
PV (TH)
Bảo Hiểm Bảo Việt