Ngành bảo hiểm với đặc thù là ngành kinh doanh dịch vụ có chu trình tính chi phí ngược, ghi nhận doanh thu trước, phát sinh chi phí sau. Thông lệ kế toán cho các hợp đồng bảo hiểm rất đa dạng và khác biệt với thông lệ kế toán của các lĩnh vực khác. Ngay cả khi chưa có chuẩn mực kế toán quốc tế về bảo hiểm thì các nước có thị trường bảo hiểm phát triển như: Mỹ, Anh, Úc… đã ban hành các chuẩn mực kế toán áp dụng riêng cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).
Tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành chế độ hạch toán kế toán riêng cho các DNBH với nhiều thay đổi để phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của DN này. Gần đây, Thông tư số 232/2012/TT-BTC, quy định chế độ kế toán mới đối với DNBH phi nhân thọ, DN tái bảo hiểm và chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. Có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, Thông tư 232/2012/TT-BTC thay thế Quyết định 1296/TC/QĐ/ CĐKT ngày 31/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Quyết định số 150/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 về việc bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán DNBH ban hành theo Quyết định số 1296/TC/QĐ/CĐKT ngày 31/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính với nhiều nội dung mới đáng lưu ý phù hợp với đặc thù của ngành bảo hiểm cũng như thông lệ quốc tế. Những điểm mới về kế toán doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các DNBH phi nhân thọ được thể hiện quy định trong Thông tư này như sau:
Thứ nhất, về tài khoản kế toán ghi nhận doanh thu, để phù hợp với đặc thù doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng như đảm bảo sự thống nhất về tài khoản kế toán của các DN sản xuất kinh doanh nói chung và các DNBH nói riêng, quy định đổi tên 3 tài khoản và bổ sung thêm 2 tài khoản cấp 2 của tài khoản 5111. Cụ thể: “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” đã ban hành tại Chế độ kế toán DN ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC áp dụng đối với DNBH phi nhân thọ như sau: TK 5111 “Doanh thu bán hàng hóa” thành “Doanh thu phí bảo hiểm gốc”; TK 5112 “Doanh thu bán các thành phẩm” thành “Doanh thu phí nhận tái bảo hiểm”; TK 5113 “Doanh thu cung cấp dịch vụ” thành “Doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm”. Bên cạnh đó, quy định mới cũng bổ sung 2 tài khoản cấp 2 Tài khoản 5117 “Doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư”, Tài khoản 5118 “Doanh thu hoạt động kinh doanh khác”. Thay vì quy định chi tiết đến tài khoản cấp 3 của TK 511 để phản ánh doanh thu động kinh doanh bảo hiểm như trước đây, Thông tư này chỉ quy định chi tiết đến tài khoản cấp 2 đã tạo sự thông thoáng linh hoạt hơn giúp cho các DNBH chủ động trong hạch toán theo dõi doanh thu.
Thứ hai, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/ QH10 ngày 09/12/2000 cho phép bên mua bảo hiểm và DNBH có thể thỏa thuận sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm. Tuy nhiên, chế độ kế toán DNBH theo Quyết định số 150/2001/ QĐ-BTC lại không đề cập đến trường hợp này khiến cho việc áp dụng chế độ kế toán không thống nhất, tùy tiện trong các DNBH. Bất cập này đã được giải quyết tại Thông tư 232/2012/TT-BTC. Đó là quy định doanh thu phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm và doanh thu hoa hồng bảo hiểm có thể tăng, giảm khi có sự điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm do khách hàng (bên mua bảo hiểm) thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm. Cụ thể như sau:
– Trường hợp tăng số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm tăng phí bảo hiểm, kế toán ghi tăng doanh thu bảo hiểm gốc số tiền phải thu thêm của khách hàng, ghi: Nợ TK 111, 112, 131/Có TK 5111, Có TK 3331;
– Trường hợp giảm số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm giảm phí bảo hiểm, kế toán ghi giảm doanh thu bảo hiểm gốc số tiền phải trả lại cho khách hàng, ghi: Nợ TK 5111, 3331/Có TK 111, 112, 131;
– Trường hợp tăng số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm tăng phí nhận tái bảo hiểm, kế toán ghi tăng doanh thu số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải thu thêm của DN nhượng tái bảo hiểm, ghi: Nợ TK 131/Có TK 5112;
– Trường hợp giảm số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm giảm phí nhận tái bảo hiểm, kế toán ghi giảm doanh thu số tiền phải trả cho DN nhượng tái bảo hiểm, ghi: Nợ TK 5112/Có TK 131;
– Trường hợp DN nhượng tái bảo hiểm thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm của hợp đồng tái bảo hiểm đã giao kết với DN nhận tái bảo hiểm dẫn đến tăng phí nhận tái bảo hiểm, kế toán ghi tăng doanh thu số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải thu thêm của DN nhượng tái bảo hiểm, ghi: Nợ TK 131/Có TK 5112;
– Trường hợp DN nhượng tái bảo hiểm thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm của hợp đồng tái bảo hiểm đã giao kết với DN nhận tái bảo hiểm dẫn đến giảm phí nhận tái bảo hiểm, kế toán ghi giảm doanh thu số tiền phí nhận tái bảo hiểm phải trả lại DN nhượng tái bảo hiểm, ghi: Nợ TK 5112/Có TK 131;
– Trường hợp tăng số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm tăng phí nhượng tái bảo hiểm, kế toán DN nhượng tái bảo hiểm phản ánh tăng doanh thu hoa hồng phải thu thêm của DN nhận tái bảo hiểm tương ứng với phí nhượng tái bảo hiểm tăng phải trả thêm cho DN nhận tái bảo hiểm, ghi: Nợ TK 331/Có TK 5113;
– Trường hợp giảm số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm làm giảm phí nhượng tái bảo hiểm, kế toán DN nhượng tái bảo hiểm phản ánh giảm doanh thu hoa hồng bảo hiểm phải trả cho của DN nhận tái bảo hiểm tương ứng với phí nhượng tái bảo hiểm giảm phải thu của DN nhận tái bảo hiểm, ghi: Nợ TK 5113/TK 331;
– Trường hợp tăng phạm vi tái bảo hiểm làm tăng phí nhượng tái bảo hiểm, kế toán ghi tăng doanh thu hoa hồng phải thu thêm của DN nhận tái bảo hiểm tương ứng với phí nhượng tái bảo hiểm tăng phải trả thêm cho DN nhận tái bảo hiểm, ghi: Nợ TK 331/Có TK 5113;
– Trường hợp giảm phạm vi tái bảo hiểm làm giảm phí nhượng tái bảo hiểm, kế toán ghi giảm doanh thu hoa hồng bảo hiểm phải trả cho của DN nhận tái bảo hiểm tương ứng với phí nhượng tái bảo hiểm giảm phải thu của DN nhận tái bảo hiểm, ghi: Nợ TK 5113/Có TK 331.
Thứ ba, một quy định mới được đề cập trong Thông tư này là về doanh thu hoa hồng tái bảo hiểm đã hạch toán nhưng vẫn còn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng liên quan đến thời gian dài đảm bảo nguyên tắc chi phí phải phù hợp với doanh thu thì trường hợp phát sinh nghiệp vụ tái bảo hiểm, kế toán bảo hiểm phải ghi nhận toàn bộ hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu của DN nhận tái bảo hiểm theo hợp đồng nhượng tái bảo hiểm đã giao kết vào bên Có TK 511 (5113). Cuối kỳ, DN nhượng tái bảo hiểm phải xác định doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng tương ứng với khoản phí nhượng tái bảo hiểm chưa được ghi nhận kỳ này để chuyển sang phân bổ vào các kỳ kế toán sau bằng việc ghi Nợ TK 5113/Có TK 3387. Khoản hoa hồng chưa phân bổ này ở các kỳ kế toán sau được phân bổ định kỳ bằng việc ghi Nợ TK 3387/5113 tương ứng số hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phân bổ hàng kỳ. Quy định này đã tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng DNBH trong việc hạch toán, xác định đúng kết quả kinh doanh của một kỳ kế toán.
Hy vọng rằng với những nội dung mới về kế toán doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định trong Thông tư số 232/2012/TT-BTC sẽ giúp các DNBH áp dụng chế độ kế toán vào trong công tác quản lý và thực hành kế toán dễ dàng hơn. Đồng thời, những quy định mới tại Thông tư cũng giúp cho thông tin kế toán trên báo cáo tài chính của các DNBH được lập và trình bày cho phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính để góp phần tạo dựng thông tin minh bạch cho thị trường tài chính, giúp các DNBH Việt Nam dễ dàng hội nhập với thị trường quốc tế.
Theo (Tapchitaichinh)
Bảo Hiểm Bảo Việt