Một trong những giải pháp đề xuất được xem xét, bàn thảo là tăng tuổi nghỉ hưu. Đây cũng là một giải pháp “thông thường” được nhiều quốc gia xem xét đến, khi đứng trước thách thức dân số già và nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.
Liệu đây có phải là một giải pháp tối ưu và phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam? Trong công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học Barry Bosworth tại Đại học Brookings (Mỹ), với các nguồn số liệu thu thập đã tính toán, phân tích đã chỉ ra rằng: Các yếu tố kinh tế về thu nhập tác động mạnh đến tuổi thọ của con người và chúng có tương quan dương- tức là người càng giàu thì càng sống lâu. Đặc biệt có sự chênh lệch khác biệt giữa các thế hệ, nhất là đối với phụ nữ.
Một cuộc điều tra được mở ra nhằm khảo sát về sức khỏe và đời sống đã thu thập thông tin từ 26.000 người Mỹ trong suốt quá trình họ làm việc cho đến khi nghỉ hưu. Nguồn dữ liệu này có giá trị đặc biệt vì đã nghiên cứu, thu thập thông tin 2 năm/lần của cùng đối tượng khảo sát, gọi là nghiên cứu theo đoàn hệ, để nghiên cứu về các diễn biến trong cuộc sống của họ. Kết quả rất khả quan- tức là đàn ông ở bất cứ mức sống nào cũng đều sống lâu hơn thế hệ trước. Tuy nhiên, số liệu cho thấy tuổi thọ của người có thu nhập cao tăng lên nhanh hơn so với những người có thu nhập thấp.
Từ kết quả những dữ liệu quan trọng đã thu thập được, chúng ta có thể thấy, một người đàn ông sinh năm 1940 và sống đến những năm 80, sự nghiệp và thu nhập của những người thuộc trong nhóm giàu nhất (10%), gồm tất cả những người cùng tuổi, nếu sống tới 55 tuổi, ông ta có thể còn sống thêm (kỳ vọng sống) được 34,9 năm nữa. Nói cách khác là sẽ thọ tới 90 tuổi (89,9 tuổi). Mức này lớn hơn 6 năm so với những người đàn ông có sự nghiệp tương tự, nhưng thuộc thế hệ sinh năm 1920. Đối với 10% nam giới nghèo nhất, họ có kỳ vọng sống thêm được 24 năm và chỉ thêm có 1 năm rưỡi nhiều hơn so với những người có thu nhập tương tự thuộc thế hệ sinh năm 1920.
Kết quả nghiên cứu đối với nữ giới thì lại khác. Tại tất cả các mức thu nhập, cho cả hai thế hệ sinh năm 1920 và 1940, phụ nữ sống lâu hơn đàn ông. Nhưng đối với phụ nữ, xu hướng thu nhập tác động kéo dài tuổi thọ còn thể hiện rõ rệt hơn.
Nghiên cứu của Bosworth kế thừa và dựa trên nghiên cứu trước đây của Hilary Waldron tại Cục quản lý Phúc lợi xã hội (Mỹ). Nghiên cứu này cũng đã chứng minh sự chênh lệch khác biệt trong mối quan hệ giữa thu nhập và tuổi thọ theo từng thời gian. Các nhà nghiên cứu sử dụng những tính toán thống kê bảo hiểm để đưa ra những dự báo, vì không thể tính chính xác được kết quả cho đến khi cả một thế hệ chết đi. Bosworth đã phân tích số liệu cùng với Kathleen Burke tại Cục Bảo vệ Tài chính tiêu dùng (Mỹ) để đánh giá về đề xuất một giải pháp “phổ biến” nhằm giữ cân bằng cho quỹ phúc lợi xã hội là “nâng tuổi về hưu” khi dân số đang già đi (tuổi thọ tăng, số người cao tuổi nhiều lên).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người thu nhập thấp không tăng được tuổi thọ, như vậy phúc lợi xã hội của họ sẽ bị giảm. Bosworth kết luận: “Số năm họ sẽ được nhận phúc lợi ít hơn”.
Theo công bố của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), Việt Nam sẽ bị thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội vào năm 2020 và cạn kiệt vào năm 2029. ILO cũng đã tính toán mối quan hệ giữa dân số lao động và sự tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam, năm 1996 có 217 người đóng bảo hiểm/1 người hưu trí, nhưng đến năm 2011 chỉ còn 10 người đóng bảo hiểm/1 người hưu trí.
Điều đặc biệt là Việt Nam mới trở thành nước có thu nhập trung bình được một vài năm gần đây và hiện tại đang ở mức thu nhập trung bình thấp và còn có nguy cơ “mắc bẫy thu nhập trung bình”. Những điều này chứng tỏ đa số người dân Việt Nam còn có mức thu nhập thấp. Để lựa chọn, hoạch định những giải pháp ứng phó với nguy cơ “vỡ quỹ bảo hiểm xã hội”, nhưng đảm bảo lợi ích cho số đông người dân, theo các chuyên gia với thực trạng còn là nước nghèo, tỷ lệ người có thu nhập thấp lớn, chúng ta cần lựa chọn những giải pháp ưu tiên, phù hợp trong từng giai đoạn. Tuổi thọ bình quân tăng là thành tựu của xã hội, như vậy trước mắt chúng ta nên dành ưu tiên triển khai những giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân như: Cải cách chế độ tiền lương, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao chất lượng dân số… để đem lại những lợi ích thiết thực cho số đông người dân, người lao động.