Theo đó, các tiêu chuẩn xếp hạng bệnh viện tư nhân bao gồm quy mô giường bệnh và nội dung hoạt động; cơ cấu lao động, trình độ chuyên môn; cơ cấu hạ tầng; trang thiết bị y tế và thông tin liên lạc; khả năng chuyên môn kỹ thuật.
Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đại diện các vụ, cục trực thuộc Bộ và lãnh đạo một số bệnh viện tư nhân về dự thảo thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn xếp hạng bệnh viện tư nhân. Y tế tư nhân là lĩnh vực mới phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong vài thập niên trở lại đây. Hiện cả nước hiện có 163 bệnh viện tư nhân, trong đó có 106 bệnh viện đa khoa, 57 bệnh viện chuyên khoa. Bệnh viện có quy mô số giường lớn nhất là Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (485 giường), còn lại hơn 50% là các bệnh viện có dưới 100 giường bệnh. Đa số các bệnh viện tư nhân thực hiện các kỹ thuật chuyên môn thông thường, một số ít thực hiện kỹ thuật tuyến Trung ương, kỹ thuật cao. Tuy nhiên, cũng đang tồn tại một số bất cập khiến nhiều bệnh viện lâm vào cảnh “lao đao”. Dù cơ sở vật chất hiện đại nhưng bệnh viện tư nhân thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng; hầu hết các bệnh viện tư đều chưa xây dựng được thương hiệu cho mình; chi phí điều trị cao đang là trở ngại trong việc thu hút người bệnh. Chính vì thế, số bệnh viện tư có công suất sử dụng giường bệnh đạt 60-85% chỉ chiếm 21,6% công suất sử dụng của các bệnh viện còn lại chỉ đạt dưới 60%; tỷ lệ khám, chữa bệnh chỉ chiếm gần 7% bệnh nhân điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú. Đa phần bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở bệnh viện tư nhân là những người có điều kiện kinh tế, người có thu nhập trung bình ít có cơ hội tiếp cận, dẫn đến không ít bệnh viện tư đang trong cảnh thu không bù chi.
Trái ngược với sự vắng vẻ của các viện tư là tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện công lập, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Tim mạch, Sản và Nhi, công suất sử dụng tại các bệnh viện công luôn ở mức 90 – 110%. Đặc biệt tại các tuyến Trung ương, công suất sử dụng giường bệnh thậm chí vượt 120%, bệnh nhân luôn phải điều trị trong tình trạng chật chội, nằm ghép 3-4 người/giường bệnh. Vì vậy, dự thảo thông tư lần này nhằm đánh giá năng lực hoạt động bệnh viện, khuyến khích bệnh viện không ngừng hoàn thiện về cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường trang thiết bị hiện đại, áp dụng kỹ thuật chuyên môn mới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ chăm sóc người bệnh, lấy người bệnh là trung tâm. Khi hoàn thiện, Thông tư sẽ là căn cứ để bệnh viện trở thành nơi tham gia đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu; chuyển tuyến khám, chữa bệnh; chữa bệnh BHYT theo quy định của pháp luật Việt Nam; phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và là cơ sở để cơ quan BHXH thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho người bệnh.
Theo 24h.com.vn
Bảo Hiểm Bảo Việt