Dự thảo Luật BHXH sửa đổi: Đảm bảo quyền lợi người lao động ngày một tốt hơn

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2014. Theo Dự thảo Luật BHXH sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến lần này có một số điểm đáng chú ý như mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm quyền về An sinh xã hội của người dân, bổ sung một số chế độ cho phù hợp… hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi người lao động ngày một tốt hơn.

NLD 050514.jpg


Những thay đổi trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi

Ngày 07/02/2014, Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội số 28/TTr-CP về Dự án Luật BHXH sửa đổi kèm theo hồ sơ Dự án Luật BHXH sửa đổi. Hiện nay, các cơ quan của Quốc hội đang tiến hành tiếp các bước để trình xin ý kiến Quốc hội vào tháng 05/2014. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi gồm 09 Chương, 125 Điều, so với Luật BHXH hiện hành, có một số thay đổi sau:

Về đối tượng tham gia BHXH

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng đến dưới 03 tháng được giao kết bằng văn bản. Luật hóa đối tượng đang thực hiện gồm người quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã hưởng lương, học viên quân đội, công an, cơ yếu đang học tập hưởng sinh hoạt phí từ NSNN. Bổ sung đối tượng là người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia. Nhằm tạo điều kiện cho nhiều người tham gia, sửa đổi mức đóng BHXH tự nguyện theo hướng bỏ quy định khống chế mức thu nhập thấp nhất làm căn cứ đóng BHXH bằng mức lương tối thiểu chung.

Về chính sách của Nhà nước đối với BHXH

Bổ sung  một số nội dung quy định Nhà nước khuyến khích thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung; có chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng đặc biệt tham gia BHXH tự nguyện; ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ thông tin trong quản lý BHXH.

Về quản lý nhà nước về BHXH

Quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Bổ sung thanh tra Tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính; quyền khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Sửa đổi quy định báo cáo Quốc hội về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH từ định kỳ hàng năm sang định kỳ 03 năm.

Về quyền của người lao động

Bổ sung quyền được hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau trong trường hợp mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; quyền được người sử dụng lao động và tổ chức BHXH định kỳ cung cấp thông tin về quá trình đóng BHXH.

Về trách nhiệm của người sử dụng lao động

Bổ sung quy định định kỳ 06 tháng thông báo thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động.

Về quyền và trách nhiệm của tổ chức BHXH

Bổ sung thẩm quyền khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; thanh tra khi được thanh tra LĐ-TB&XH ủy quyền. Với trách nhiệm của tổ chức BHXH, sửa đổi, bổ sung quy định ban hành quy trình thực hiện chế độ BHXH; giới thiệu thân nhân người lao động, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH đi giám định mức suy giảm khả năng lao động; thông báo thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động.

Về chế độ ốm đau

Sửa đổi mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày theo hướng không quy định thời gian hưởng tối đa trong năm mà quy định tối đa hưởng 180 ngày, nếu vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn, không tính lặp lại hàng năm như quy định hiện hành; bỏ quy định bù bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) đối với mức hưởng chế độ ốm đau của người bị mắc bệnh cần chữa trị dài ngày trong trường hợp nghỉ từ ngày 181 trở đi mà mức hưởng thấp hơn lương tối thiểu chung; bổ sung quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

Về chế độ thai sản

Bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 05 ngày làm việc (đối với trường hợp sinh thường) và 07 ngày làm việc (đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật); sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH dài nhưng vì bệnh lý phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở y tế nếu có từ đủ 12 tháng trở lên đóng BHXH thì chỉ cần có từ đủ 03 tháng đóng BHXH trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; sửa đổi thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con là 06 tháng, người lao động nhận nuôi con nuôi được nghỉ hưởng BHXH đến khi con đủ 06 tháng tuổi (theo Bộ luật Lao động năm 2012); bổ sung quy định trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ gặp rủi ro sau khi sinh, không còn khả năng chăm sóc con, có xác nhận của cơ sở y tế theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi; quy định trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con; quy định mức hưởng chế độ thai sản một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN)

Quy định cụ thể các điều kiện về TNLĐ được hưởng chế độ BHXH, các trường hợp loại trừ; sửa đổi quy định về điều kiện hưởng chế độ BNN theo hướng khi bị BNN thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp là được hưởng chế độ BNN; bổ sung quy định thời hạn được giới thiệu đi giám định lại TNLĐ-BNN; bổ sung quy định thời điểm hưởng trợ cấp trong trường hợp không điều trị nội trú và trường hợp không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện; bổ sung quy định điều chỉnh trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế. Sửa đổi quy định cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo hướng cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình và giao Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn.

Về chế độ hưu trí (BHXH tự nguyện)

Quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng theo hướng từ năm 2016 trở đi, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; từ năm 2020 trở đi, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại theo phương thức cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Riêng đối với lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam hoặc Luật CAND. Đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như hiện hành.

Sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động theo hướng người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên; người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi; người có đủ 15 năm trở lên (trong 20 năm đóng BHXH) làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.

Sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu theo hướng: Từ năm 2016 trở đi mỗi năm tăng thêm 01 năm cho đến khi 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45%. Tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Bổ sung quy định về thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động; sửa đổi quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng hạn chế việc hưởng BHXH 01 lần (chỉ khi người lao động đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo), riêng đối với lực lượng vũ trang thực hiện như quy định hiện hành. Tăng mức trợ cấp BHXH một lần lên 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi; sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính hưởng BHXH đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định theo hướng đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực trở đi thì tính bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Sửa đổi quy định điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH theo hướng người tham gia từ trước ngày luật có hiệu lực thì việc vẫn thực hiện như quy định hiện hành; người bắt đầu tham gia từ ngày luật này có hiệu lực thi hành thì điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ (áp dụng chung cho mọi người lao động tham gia BHXH).

Bổ sung quy định về việc tiếp tục chi trả chế độ khi đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp. Đồng thời, quy định việc truy lĩnh lương hưu, trợ cấp trong trường hợp người được Tòa án tuyên bố là mất tích trở về, người chấp hành án tù giam được Tòa án tuyên bố là oan sai; bổ sung quy định giải quyết trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư.

Về chế độ tử tuất (kể cả BHXH tự nguyện)

Bổ sung đối tượng giải quyết chế độ tử tuất đối với người đang bị dừng hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng do phải chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo mà bị chết trong tù. Bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần (trừ trường hợp có thân nhân là con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên); bổ sung quy định trường hợp người lao động không có thân nhân quy định tại Luật BHXH thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế; tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp người lao động đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết từ năm 2014 trở đi lên 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH

Về Quỹ BHXH

Bổ sung quy định Quỹ BHXH chi trả chi phí giám định y khoa đối với trường hợp do tổ chức BHXH giới thiệu đi giám định mức suy giảm khả năng lao động; bổ sung phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện gồm 01 năm/lần, một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu và quy định Chính phủ hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với một số trường hợp đặc biệt. Bổ sung quy định về việc thực hiện đóng bù cho thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng; tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định theo hướng là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động… Gộp Quỹ hưu trí – tử tuất bắt buộc và Quỹ hưu trí, tử tuất tự nguyện.

Về thủ tục thực hiện BHXH

Sửa đổi, bổ sung nội dung thủ tục được thực hiện trên cơ sở luật hóa quy định về thủ tục, hồ sơ từ các văn bản hướng dẫn thi hành luật và văn bản hướng dẫn của tổ chức BHXH đã được kiểm nghiệm, đồng thuận từ phía người lao động, người sử dụng lao động. Ngoài ra, tiếp thu các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ.

Về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm BHXH

Sửa đổi quy định về mức phạt lãi đối với số tiền chưa đóng, chậm đóng bằng 02 lần lãi suất liên ngân hàng để chống lạm dụng về sử dụng Quỹ BHXH, giảm nợ đóng, chậm đóng BHXH. Bỏ quy định về khen thưởng (Điều 133 Luật BHXH hiện hành).

Về quy định chuyển tiếp

Sửa đổi quy định tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 (được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây đối với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân) để đảm bảo tính pháp lý, thống nhất trong tổ chức thực hiện. Quy định chuyển 50% số kết dư của Quỹ ốm đau, thai sản; Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và toàn bộ số kết dư Quỹ BHXH tự nguyện sang Quỹ hưu trí, tử tuất.

Về hiệu lực thi hành

Dự thảo quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2015. Riêng đối tượng quy định tại Điểm b, Khoản 1, Khoản 2, Điều 2 Luật này áp dụng từ ngày 01/01/2018. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc dự kiến thực hiện theo Bộ luật Lao động năm 2012 từ ngày 01/01/2018 (Khoản 2, Điều 89). Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật và các nội dung cần thiết khác của Luật theo yêu cầu quản lý.

Một số quy định về tuổi nghỉ hưu, căn cứ đóng BHXH, công thức tính lương hưu có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động nên cần phải được nghiên cứu kỹ, thiết kế chính sách và lộ trình thực hiện phù hợp với nhóm đối tượng, điều kiện lao động, đặc điểm tâm, sinh lý, sức khỏe của người Việt Nam. Về cơ quan BHXH là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản lý quỹ tài chính do Nhà nước giao, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật nên cần được quy định rõ trong Luật trên cơ sở đó quy định về thẩm quyền thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BHXH và trao cho cơ quan này các công cụ quản lý cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm An sinh xã hội./.

Điều Bá Được
Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.