Ở các nước khác, các DNBH sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu kế toán pháp lý (Forensic Data Analytics) để phân tích và dự đoán hành vi của đại lý. Kết quả phân tích từ dữ liệu quá khứ giúp dự đoán xu hướng, hành vi của đại lý bao gồm việc xác định các đại lý có thể có hành vi sai phạm hay không.
Hiện nay rất khó kiểm soát hoạt động của đại lý, bởi trên thị trường hiện còn rất thiếu các chuyên gia quản lý rủi ro có kỹ năng và công cụ cần thiết để có thể xác định các hành vi sai phạm của đại lý nhằm hỗ trợ công tác quản lý đại lý hiệu quả và loại bỏ những đại lý “đen”.
Đây là chia sẻ của ông Saman Bandara, Phó Tổng giám đốc, Tư vấn kế toán pháp lý – EY Vietnam trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCO.
* Đại lý là kênh bán hàng quan trọng của các DNBH, tuy nhiên những sai phạm của đại lý thời gian gần đây đã khiến khách hàng mất lòng tin vào bảo hiểm nhân thọ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
– Đúng như vậy, hiện trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, kênh phân phối sản phẩm chủ yếu là từ đại lý, các kênh phân phối khác như: bán bảo hiểm qua ngân hàng, online…đang trong quá trình phát triển và vẫn chiếm tỷ lệ không đáng kể. Vì vậy, khi đại lý có thái độ, hành vi không đúng đắn với khách hàng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của khách hàng, uy tín của DNBH nói riêng và thị trường bảo hiểm nói chung.
|
Với thống kê không chính thức rằng 90% số đại lý đang hoạt động bán thời gian, điều này đã ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp của các đại lý và là nhân tố quan trọng dẫn đến thái độ thiếu đúng đắn của không ít đại lý bảo hiểm.
* Thưa ông, năm 2013, số lượng đại lý bảo hiểm nhân thọ bị đưa vào danh sách “đen” chỉ giảm 30% so với cùng kỳ (còn 324 đại lý đen). Phải chăng DN vì mục tiêu lợi nhuận đã lơ là việc quản lý đại lý, khiến số đại lý vi phạm quy định vẫn cao?
– Hiện số lượng đại lý đang hoạt động trên thị trường đã lên đến con số hàng chục ngàn, tuy số lượng đại lý đen nêu trên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng tỷ lệ nhỏ này vẫn có thể gây tổn hại đáng kể đến lòng tin của người tham gia bảo hiểm và ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.
Có thể chỉ một đại lý đen cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của DN, nếu đại lý đó ký kết những giá trị hợp đồng lớn và số lượng hợp đồng ký kết nhiều. Nếu không có biện pháp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các đại lý sai phạm, sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, nhiều đại lý khác cũng có thể bị lôi kéo phát triển theo chiều hướng xấu.
Xung quanh vấn đề phải chăng DN vì mục tiêu lợi nhuận đã lơ là việc quản lý đại lý, tôi cho rằng, các DN đều muốn bảo vệ danh tiếng của họ trên thị trường và mong muốn xác định các hành vi sai phạm.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các DNBH đã có kỹ năng, chuyên môn phù hợp và các công nghệ cần thiết để dự đoán rủi ro và phát hiện kịp thời các trường hợp sai phạm của đại lý chưa? Theo quan sát của tôi, thực tế trên thị trường còn rất thiếu các chuyên gia quản lý rủi ro có kỹ năng và công cụ cần thiết để có thể xác định các hành vi sai phạm của các đại lý, nhằm hỗ trợ công tác quản lý đại lý hiệu quả, loại bỏ đại lý đen.
* Mới đây nhất, một đại lý đã sử dụng 2 số chứng minh thư khác nhau để đồng thời làm đại lý cho 2 DNBH là Hanwha Life và Prudential, sai quy định của pháp luật hiện hành. Vấn đề nổi cộm hiện nay chính là công tác quản lý đại lý, thưa ông ?
– Rõ ràng công tác quản lý đại lý có vấn đề. Theo quy định, một đại lý không được đồng thời làm đại lý cho DNBH khác, nếu không được chấp thuận bằng văn bản.
Các DNBH cần tìm hiểu hệ thống quản lý đại lý của mình, xác định nguyên nhân tại sao đại lý này có thể lọt qua dễ dàng mà không bị phát hiện để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Chỉ một đại lý đen cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của DN. Ảnh: T.L |
* Vậy theo ông đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng đại lý, xây dựng hình ảnh đại lý chuyên nghiệp và thanh lọc đại lý đen?
– Ở các nước khác, các DNBH sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu kế toán pháp lý (Forensic Data Analytics) để phân tích và dự đoán hành vi của đại lý. Kết quả phân tích từ dữ liệu quá khứ giúp dự đoán xu hướng, hành vi của đại lý bao gồm việc xác định các đại lý có thể có hành vi sai phạm hay không.
Nếu xác định thấy các đại lý có hành vi sai phạm hoặc có rủi ro cao, DNBH có thể ngừng sử dụng các đại lý. Ở Việt Nam, có một số DNBH đã tiếp cận và bắt đầu sử dụng giải pháp phân tích dữ liệu kế toán pháp lý.
Cần chú ý rằng, tuy nỗ lực riêng lẻ của các DNBH trong việc tăng cường quản lý đại lý nói chung và sử dụng các công nghệ hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý đại lý nói riêng là rất cần thiết, nhưng để hướng tới thị trường bảo hiểm “sạch” với các đại lý tốt, cần có sự thống nhất từ tất cả các DNBH trong ngành để tránh tình trạng đại lý đen có thể chạy sang các DNBH có quy định, hệ thống quản lý lỏng lẻo hơn.
Xin cảm ơn ông!