Ngày 20/3, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức nghiệm thu Đề tài “Thực trạng và giải pháp phòng chống lạm dụng Quỹ BHXH”. Hội đồng nghiệm thu gồm 07 thành viên, tiến hành nghiệm thu dưới sự chủ trì của TS. Đỗ Thị Xuân Phương Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng.
Mục tiêu chung của Đề tài là đánh giá thực trạng việc thực hiện chính sách BHXH theo quy định của Luật BHXH trong thời gian từ tháng 01/2007 đến nay. Từ đó chỉ ra những kẽ hở trong các quy định của pháp luật về BHXH có thể dẫn đến việc lạm dụng chính sách BHXH; nêu được những bất cập trong tổ chức thực hiện có thể làm phát sinh những hành vi vi phạm pháp luật BHXH, lạm dụng Quỹ BHXH. Đưa ra các giải pháp phòng chống lạm dụng quỹ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra các hình thức lạm dụng Quỹ BHXH. Nhóm lạm dụng trong tổ chức thực hiện chính sách gồm có lạm dụng trong lĩnh vực thu BHXH, BHTN, cấp sổ BHXH, trong lĩnh vực giải quyết hưởng chế độ BHXH (trong lĩnh vực giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ ốm đau, thai sản, chế độ hưu trí, tử tuất, chế độ bảo hiểm thất nghiệp); Lạm dụng trong lĩnh vực chi trả các chế độ BHXH.
Nhóm nghiên cứu chỉ rõ, các hành vi lạm dụng trong lĩnh vực thu BHXH, BHTN rất đa dạng và diễn ra phổ biến tại tất cả các địa phương trên cả nước. Biểu hiện cụ thể là: hành vi trốn đóng BHXH ( trốn đóng BHXH đối với toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp, đóng BHXH không đủ số người lao động trong đơn vị); Đóng BHXH không đúng mức quy định (Đóng BHXH thấp hơn mức quy định, Đóng BHXH cao hơn bất thường so với mức quy định); Đóng BHXH, BHTN chậm hơn so với thời gian quy định mà thực chất là nợ tiền BHXH, BHYT; Đóng BHXH không đúng đối tượng. Hành vi lạm dụng trong lĩnh vực cấp sổ BHXH thường tập trung vào các công đoạn của quy trình cấp sổ và ghi sổ BHXH, cụ thể là quy trình lập hồ sơ cấp sổ lần đầu, quy trình cấp lại sổ BHXH, ghi và xác nhận thời gian đóng BHXH. Các hành vi lạm dụng trong lĩnh vực giải quyết hưởng chế độ BHXH thường là lạm dụng trong lĩnh vực giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trong lĩnh vực giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp diễn ra thường xuyên và gây ảnh hưởng rất lớn đến Quỹ BHXH.
Nhóm nghiên cứu chỉ rõ có 05 nhóm nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Nguyên nhân do cơ chế chính sách còn nhiều kẽ hở, một số quy định không mang tính khả thi, hệ thống chính sách BHXH trải qua nhiều thời kỳ nên thiếu tính đồng bộ, thậm chí chồng chéo; một số nội dung mới nảy sinh trong thực tiễn chưa được kịp thời điều chỉnh. Sự phối hợp thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, một số cấp có thẩm quyền không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ dẫn đến việc xác nhận, chứng nhận khống hoặc xác nhận, chứng nhận không đúng với thực tế. Nhận thức của người SDLĐ về chính sách, pháp luật BHXH còn chưa cao, tâm lý kinh doanh nặng về lợi nhuận nên không quan tâm đến lợi ích chung của toàn xã hội. Ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước không nghiêm, không coi trọng việc đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động, cố tình kê khai gian lận theo hướng có lợi cho đơn vị, cho cá nhân. Từ phía người lao động, nhận thức của người lao động về chính sách, pháp luật BHXH còn thấp, tâm lý chỉ quan tâm tới lợi ích trước mắt nên không dám đấu tranh đòi hỏi quyền lợi về BHXH. Một phần nguyên nhân cũng rất quan trọng, đó là từ phía cơ quan BHXH. Hệ thống BHXH Việt Nam được thành lập từ 16/02/1995 nhưng việc giải quyết chế độ BHXH cho người lao động lại phải thực hiện từ thời gian trước đó hàng chục năm, nên nhiều trường hợp rất phức tạp, hạ tần công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế…
Trên cơ sở các nguyên nhân, nhóm nghiên cứu đưa ra 02 nhóm giải pháp phòng, chống lạm dụng Quỹ BHXH; bao gồm giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về cơ chế quản lý. Về cơ chế chính sách, nhóm nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định về đối tượng tham gia (Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH), quy định về đóng – hưởng (Khoản 2 Điều 94, Điều 23, Điều 139, Điều 51 Luật BHXH…), quy định chế tài xử lý các hành vi lạm dụng (giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra, tăng mức phạt; quy định tính lãi chậm đóng, không đóng BHXH bằng hoặc cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng…). Về cơ chế quản lý, cần tăng cường thực hiện giữa các cơ quan ở các cấp; thực hiện quản lý chặt chẽ hơn đối tượng đóng và hưởng BHXH từ cơ sở; tăng cường quản lý Quỹ BHXH, bảo đảm thu chi, đầu tư tăng trưởng Quỹ; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi trốn đóng, hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ…
Các thành viên hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ có tính ứng dụng cao trong bối cảnh các hành vi lạm dụng Quỹ BHXH đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ phức tạp. Các giải pháp phòng, chống lạm dụng Quỹ BHXH của nhóm nghiên cứu đưa ra cũng sẽ là nội dung thiết thực đóng góp vào quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHXH. Một số thành viên của hội đồng nghiệm thu đề nghị điều chỉnh lại bố cục nội dung; cập nhật các số liệu mới hơn; thống kê, lượng hóa các hành vi lạm dụng làm rõ mức độ nghiêm trọng; chú trọng giải pháp chia sẻ thông tin, nắm rõ số doanh nghiệp, số lao động phải tham gia BHXH…
Ông Điều Bá Được, Trưởng Ban THCS BHXH, Chủ nhiệm đề tài báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu
Kết luận tại buổi nghiệm thu, TS. Đỗ Thị Xuân Phương, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận những kết quả nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài, những kết quả nghiên cứu, đề xuất, khuyến nghị, giải pháp của Đề tài mang giá trị thực tiễn hết sức quan trọng. đồng thời yêu cầu nhóm nghiên cần cứu tiếp thu các ý kiến góp ý, đánh giá; tiếp tục hoàn thiện nội dung nghiên cứu đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ hơn. Các giải pháp phòng, chống lạm dụng đưa ra tương đối đầy đủ, tuy nhiên cần chú trọng đến việc đưa ra giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức BHXH, qua đó ngăn chặn các hành vi lạm dụng Quỹ BHXH hiệu quả hơn.
Đề tài đã được Hội đồng bỏ phiếu nhất trí đánh giá đạt loại Khá./.
PV
Bảo Hiểm Bảo Việt