Ngày 26/02/2014, tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức buổi họp giám sát về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2013. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai chủ trì buổi họp. Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan…
Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội họp đánh giá thảo luận về Quỹ BHXH
Tại buổi họp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương báo cáo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2013. Cụ thể, trong năm 2013, có 249.367 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc (tăng 5,9% so với năm 2012) với số người tham gia là 10.881.065 người (tăng 449.448 người so với cùng kỳ năm 2012); Số thu BHXH bắt buộc là 105.018 tỷ đồng (tăng 17,65% so với năm 2012); Giải quyết 133.986 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động hàng tháng (tăng 6% so với năm 2012); hoảng 173.584 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2012); số thu BHXH tự nguyện ước đạt 552 tỷ đồng (vượt 12,63% kế hoạch, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2012).
Năm 2013, ước kết dư Quỹ BHXH bắt buộc gần 245.709,5 tỷ đồng; Quỹ BHXH tự nguyện là 1.594,9 tỷ đồng, tăng 554,8 tỷ đồng so với năm 2012; Quỹ BH thất nghiệp là 31.642,6 tỷ đồng, tăng 8.407 tỷ đồng so với năm 2012.
Về hoạt động đầu tư bảo toàn, phát triển Quỹ BHXH được thực hiện theo đúng quy định. Sau 07 năm (2007-2013) thực hiện Luật BHXH, số dư đầu tư quỹ hàng năm đều tăng về số lượng tuyệt đối. Tính đến hết năm 2013, số dư đầu tư quỹ đạt 286.565,3 tỷ đồng, tăng 52.961,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012, gấp 4,16 lần so với năm 2007.
Việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 đã phát huy tác dụng, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn, tạo thuận lợi cơ bản cho công tác thực hiện BHXH.
Trước tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, trong năm 2013, BHXH Việt Nam tăng cường hướng dẫn, đôn đốc thu BHXH các địa phương tiến hành khởi kiện các trường hợp nợ đọng với số tiền lớn. Tính đến hết năm 2013, BHXH các địa phương đã tiến hành khởi kiện 2.463 đơn vị nợ BHXH với số tiền nợ là 1.248 tỷ đồng; công tác khởi kiện mang lại một số kết quả tốt. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo các đơn vị trong Ngành và các sở, ngành có liên quan tiến hành nhiều giải pháp như đôn đốc thu, kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị cố tình né tránh việc tham gia BHXH đối với người lao động, khởi kiện các đơn vị nợ, đưa danh sách các đơn vị nợ lên các phương tiện thông tin đại chúng, tham mưu với UBND tỉnh thành lập Tổ thu nợ liên ngành và đề nghị không tôn vinh, khen thưởng các đơn vị còn nợ BHXH… nhờ đó đến hết năm 2013 số nợ BHXH là 4.752 tỷ đồng, bằng 4,3% tổng số phải thu, giảm 1,4% so với năm 2012.
Các đại biểu tham dự buổi họp đã tập trung thảo luận về việc thực hiện chính sách BHXH; vấn đề giám sát quản lý, sử dụng Quỹ BHXH; chi phí quản lý BHXH và khuyến nghị, đề xuất xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật BHXH. Đồng thời đưa ra những giải pháp, những gợi mở giúp thực hiện tốt chính sách BHXH, bảo toàn và phát triển Quỹ BHXH.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chính sách BHXH năm 2013. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu nhiều áp lực từ khủng hoảng suy thoái, việc chính sách BHXH được thực hiện có hiệu quả là điều đáng mừng, nhất là việc giảm nợ đọng BHXH. Để thực hiện tốt chính sách BHXH, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ, tích cực mở rộng đối tượng; đối với BH tự nguyện cần khuyến khích, vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia; quản lý chặt chẽ Quỹ BHXH. Quỹ BHXH cần được quản lý tập trung, có sự chia sẻ rủi ro trong toàn quốc; tính toán cân đối thu chi hợp lý, dựa trên mức thu nhập người dân; đưa ra giải pháp điều chỉnh hưu trí phù hợp nhằm cân đối quỹ; tính lại chi phí thường xuyên, không thường xuyên chi cho bộ máy, hoạt động hành chính… Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị trong các cấp chính quyền. Đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận những kiến nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Chính, BHXH Việt Nam và ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Quốc hội thảo luận, sửa đổi Luật BHXH theo hướng tích cực, đảm bảo an toàn dài hạn cho Quỹ BHXH, tạo điều kiện cho người dân tham gia BHXH nhiều hơn./.
Thái Dương
Bảo Hiểm Bảo Việt