Nhiều quy định về đối tượng không được nhận hoa hồng bảo hiểm đang là thách thức với các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm. Để làm sáng tỏ vấn đề này, cần xem xét lại việc thực thi các quy định về đối tượng không được nhận hoa hồng bảo hiểm đã và đang diễn ra trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay ra sao.
Thực trạng chi trả hoa hồng bảo hiểm
Đánh giá tổng quan việc chấp hành các quy định về hoa hồng tại Hội nghị thường niên ngành Bảo hiểm năm 2013, đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính kết luận: “Qua thanh kiểm tra, tình trạng nhiều DN sử dụng đại lý chưa đủ điều kiện hay việc chi hoa hồng tràn lan, không đúng đối tượng đang diễn ra khá phổ biến”. Thực tế, để tăng doanh thu các DN vẫn trích hoa hồng theo quy định (thậm chí lớn hơn định mức) chi trả trực tiếp cho khách hàng hoặc người giới thiệu để khuyến khích họ mua bảo hiểm và mang lại dịch vụ.
Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, hệ lụy của việc chi hoa hồng tràn lan cho khách hàng là việc rất nhiều khách hàng của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thể điềm nhiên “đàm phán” đòi được hưởng hoa hồng cao hơn. Thực trạng này dẫn đến các đại lý bảo hiểm phi nhân thọ phải chấp nhận “đứng ngoài” cuộc chơi hoặc “từ bỏ” những khách hàng lớn. Điều này khiến chi phí bán hàng của một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đội lên rất cao. Cuộc rượt đuổi về chi hoa hồng và các “dịch vụ đặc biệt” dành cho khách hàng, cùng với các khoản chi để duy trì và khuyến khích đại lý hoạt động, khiến nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước khó khăn vì thu không đủ bù chi.
Trong khi đó, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thì đành phải đứng ngoài nhiều phân khúc dịch vụ “béo bở”, vì không đủ “liều” để tham gia vào cuộc chiến chi hoa hồng. Chi hoa hồng cho khách hàng bằng việc giảm tiền ngay trên số phí bảo hiểm phải đóng (dù Luật Bảo hiểm không cho phép) cũng là việc làm không lạ, không mới và đã trở thành một cái lệ rất xấu trong hoạt động khai thác bảo hiểm phi nhân thọ.
Không ít “chiêu” để “lại quả” khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, có thể kể tới như: Đại lý bảo hiểm nhân thọ từng khá xa lạ với việc “chiết khấu” lại cho khách hàng, nhưng khi việc khai thác kinh doanh khó khăn, nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ cũng đã tìm cách “trưng dụng” chiêu này để bán bảo hiểm dễ hơn. Nhằm tránh vi phạm quy định về chi trả hoa hồng cho khách hàng, rất nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ đã mất ăn, mất ngủ do phải suy nghĩ “mua quà gì” tặng cho khách hàng, đặc biệt với những đại lý có kết quả khai thác đang cận kề ngưỡng thi đua khen thưởng của công ty bảo hiểm.
Quy định “đại lý, cộng tác viên bảo hiểm chưa ký hợp đồng khai thác bảo hiểm nhân thọ với DN bảo hiểm” không được nhận hoa hồng, trong khi đó điều kiện để được ký hợp đồng khai thác bảo hiểm nhận thọ với công ty bảo hiểm là trước đó phải có số hợp đồng tối thiểu (tùy theo mỗi công ty) để chứng minh có đủ điều kiện và năng lực hành nghề. Vậy ai là người được hưởng hoa hồng năm thứ nhất của những hợp đồng tối thiểu này? Thực tế hoa hồng vẫn được chi trả, mà người thực nhận không thể khác người đã mang lại hợp đồng cho công ty.
Chi hoa hồng cho khách hàng được xem là “thỏa thuận ngầm” giữa cán bộ khai thác hoặc đại lý với khách hàng. Chính vì là thỏa thuận ngầm nên các công ty bảo hiểm dù có quy định rất nghiêm với những hành vi vi phạm (cảnh cáo, chấm dứt hợp đồng…) song cũng “không thể” can thiệp quá sâu vào mối quan hệ giữa họ với khách hàng. Còn với các tổ chức, cá nhân… mang lại dịch vụ cho các công ty bảo hiểm thì sao? Công ty bảo hiểm không thể không cám ơn họ, bằng một tỷ lệ % đủ hấp dẫn để họ quan tâm giới thiệu. Căn cứ vào đâu để đưa ra nhận định này? Chỉ cần một phép tính đơn giản là so sánh giữa tổng doanh thu từ hoạt động đại lý và tổng hoa hồng đã chi trả trong năm, là có câu trả lời xác đáng.
Giải pháp chi hoa hồng bảo hiểm hiệu quả
Trước thực trang trên, các cơ quan hữu quan cần có những giải pháp để giải quyết vấn đề.
Thứ nhất, hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở nước ta đang diễn ra trong một môi trường kinh doanh còn thiếu chuẩn mực; Những quy định về đối tượng không được hưởng hoa hồng bảo hiểm chưa phù hợp với nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, việc xử lý vi phạm mang tính hình thức cho thấy, tính thực tiễn của các văn bản pháp quy không cao. Nếu chúng ta thừa nhận 100% đơn vị có sai phạm, thì yêu cầu xem xét sửa đổi lại các quy định là cấp thiết và có ý nghĩa thiết thực hơn nhiều so với đề xuất phạt nặng để dẹp “nhốn nháo”. Bởi lẽ phạt hay kỷ luật chỉ mang lại hiệu quả khi các quy định phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời công việc kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm minh.
Với thực tế đã và đang diễn ra, bài viết đưa ra đề xuất rằng, nên xem xét bỏ nội dung quy định về đối tượng không được hưởng hoa hồng bảo hiểm. Điều này dường như trái với thông lệ quốc tế và yêu cầu minh bạch trong hoạt động kinh doanh nhưng lại rất thực tiễn đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng là vấn đề hiệu quả và lợi nhuận. Thêm nữa, hoạt động kinh doanh diễn ra trong một nền kinh tế thị trường, có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các DN, thì bản thân mỗi DN luôn phải nghĩ đến việc là làm thế nào để có được khách hàng, nhưng phải thu được lợi nhuận. Do vậy, thay vì quy định đối tượng được nhận và không được nhận hoa hồng bảo hiểm bằng những quy định về định mức chi phí, hiệu quả và những chế tài giới hạn phạm vi hoạt động kinh doanh hoặc rút giấy phép hoạt động… Cụ thể như:
Một là, quy định hạn mức (tỷ lệ tối đa) về chi phí quản lý và bán hàng đối với từng nghiệp vụ bảo hiểm. Chi phí quản lý và bán hàng này bao gồm tất cả các khoản chi cho bộ máy quản lý của công ty, chi giao dịch và tiếp khách, chi cho cán bộ hoặc đại lý khai thác; Chi cho người quản lý đại lý của DN; Chi khuyến khích đại lý khai thác vượt định mức về doanh thu, về số lượng hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm cao; Chi phí để thực hiện một số chính sách phúc lợi và tạo điều kiện ổn định thu nhập cho đại lý… Mặt khác, áp lực về quản lý và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ giảm đi đáng kể còn trách nhiệm của các công ty bảo hiểm phải tính toán chi tiêu như thế nào, phân bổ giữa các khoản chi ra sao để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả sẽ lớn hơn.
Hai là, quy định về hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, với những nghiệp vụ có kết quả lỗ liên tục trong 3 năm hoặc chi vượt hạn mức chi quản lý và bán hàng sẽ không cho phép công ty được triển khai nghiệp vụ bảo hiểm ít nhất 5 năm tiếp theo; Giải thể hoặc sáp nhập các công ty bảo hiểm có kết quả kinh doanh bảo hiểm lỗ 5 năm liền.
Có thể nói, việc tiếp tục giữ các quy định về đối tượng được hưởng và không được hưởng hoa hồng bảo hiểm sẽ dẫn đến tình trạng các công ty bảo hiểm vi phạm, không thực hiện đúng theo quy định. Các công ty bảo hiểm sẽ chấp hành các quy định trên cơ sở sổ sách và chứng từ, song các hình thức biến tướng mà thực chất là vi phạm vẫn sẽ xảy ra khi môi trường kinh doanh chưa thay đổi.
Thêm nữa, vì tính thực tiễn của các quy định, không loại trừ những vi phạm về quy định hoa hồng bảo hiểm sẽ dẫn đến nhiều vi phạm khác nhằm che lấp hoặc dấu diếm vi phạm về quy định hoa hồng bảo hiểm. Cuối cùng, tất cả những vi phạm đó người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật không ai khác vẫn thuộc về các công ty bảo hiểm. Với những lý do nêu trên, nội dung quy định về đối tượng không được hưởng hoa hồng bảo hiểm cần phải được xem xét lại!
Theo Tapchitaichinh
Bảo Hiểm Bảo Việt