Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2013, nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc 330%; tỷ lệ này ở nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và tai nạn dân sự chủ tàu là 108%; bảo hiểm cháy nổ 54%; bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính 52%; bảo hiểm xe cơ giới 47%; bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người hơn 42%… Tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường năm 2013 tăng lên mức 44,3% so với tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc năm 2012 là 38,8%.
Trong khi đó, thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, năm 2012, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm nông nghiệp chỉ là 37,88%; bảo hiểm thân tàu và tai nạn dân sự chủ tàu 46,25%; bảo hiểm xe cơ giới 47%; bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người hơn 42%; bảo hiểm cháy nổ 37%…
Năm 2013, với việc phát sinh tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm nông nghiệp tăng vọt, nghiệp vụ này có số tiền bồi thường lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm. Còn nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và tai nạn dân sự chủ tàu tiếp tục kéo dài tình trạng bồi thường lớn hơn doanh thu phí.
Hiện tượng nợ phí của chủ tàu luôn là gánh nặng cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Hiệp hội Bảo hiểm đã nhiều lần khuyến cáo các doanh nghiệp không cho nợ đọng phí, kể cả cấp bảo hiểm trách nhiệm chủ tàu (P&I) theo chuyến, thực hiện nghiêm Thông tư 125 của Bộ Tài chính. Vì tình hình tài chính của nhiều chủ tàu chưa được cải thiện nên việc trả lương, chi phí duy trì tàu đủ cấp hạng đã đăng kiểm đang gặp khó khăn, tạo nguy cơ gia tăng rủi ro, tổn thất. Nền kinh tế suy giảm cũng kéo theo tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính trong năm 2013 lên 52% (năm 2012 chưa có thống kê về bồi thường).
Ngoài ra, cũng phải kể đến một số tổn thất phát sinh bồi thường lớn trong năm 2013 như nghiệp vụ bảo hiểm tài sản xảy ra vụ bồi thường do cháy nổ của Công ty Theodore Alexander (7 triệu USD), Tổng kho Sacombank Warehouse (40 tỷ đồng), Công ty Hà Phong Germent (40 tỷ đồng), Công ty Ghome Furniture (50 tỷ đồng). Với nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật, tổn thất phải kể đến là Dự án Thủy điện 6 Đồng Nai 3 HPP (266.642 USD), Dự án Thủy điện sông Bung 2 (547.619 USD), Dự án Đường cao tốc Nội Bài – Lào cai (238.095 USD). Nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải có vụ tổn thất P&I tàu Long Phú 09 (725.000 USD), tàu Everich 2 (558.000 USD), tàu Thuận Mỹ gồm cả tàu và hàng (2,3 triệu USD), tổn thất P&I của tàu Vinalines Ocean (1,3 triệu USD)…
Bức tranh tỷ lệ bồi thường của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2013 có một điểm khác so với năm trước là tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe tai nạn con người giảm so với năm 2012, tuy vẫn còn cao, trong khi hai nghiệp vụ này là trọng tâm khai thác khi các doanh nghiệp đều đẩy mạnh mảng bán lẻ.
Năm 2014, cùng với siết lại các điều khoản sàng lọc khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm hy vọng, tỷ lệ bồi thường đối với các nghiệp vụ trong mảng bán lẻ có thể giảm hơn nữa.
Để đối phó với những rủi ro tổn thất do thiên tai mang lại – những rủi ro đang được đánh giá ở mức “báo động đỏ” (bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm ô tô, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm nông nghiệp… đều là những nghiệp vụ bị ảnh hưởng nhiều bởi rủi ro thiên tai), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã lên kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu về rủi ro thiên tai, cường độ và mức độ xảy ra thiên tai ở các vùng, miền trên cả nước, nhằm giúp các doanh nghiệp bảo hiểm định lượng tốt hơn các rủi ro này.