Chung quanh việc đề xuất phải thêm bảo hiểm nhà ở

Thông tin Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất buộc các chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) phải mua bảo hiểm nhà ở cho khách hàng mua nhà đã vấp phải sự phản đối của cả người dân, doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia kinh tế. Bởi vì, nếu áp dụng thời điểm này sẽ đẩy giá nhà đất tăng cao hơn nữa, khiến thị trường BĐS đã khó càng khó hơn, người dân càng khó mua được nhà.

Giá nhà đất sẽ tăng cao
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Bộ đang nghiên cứu đề xuất bắt buộc những dự án BĐS phải mua bảo hiểm cho khách hàng mua nhà mới được thực hiện. Theo đó, tiền bảo hiểm sẽ được tính vào giá căn hộ để bảo đảm khi chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, mất năng lực triển khai dự án thì khách hàng không mất tiền do đã mua bảo hiểm. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, đề xuất này đang ở trong giai đoạn “phôi thai”, có thể sẽ đưa vào Luật Nhà ở hoặc Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi sắp tới. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đực, đề xuất này không thực tế và thiếu khả thi. Bởi trong tình trạng DN, dự án “chết” la liệt… thì công ty bảo hiểm nào dám đứng ra bán bảo hiểm. Ông Đực cũng đặt vấn đề, trong trường hợp triển khai quy định này thì chắc chắn phí bảo hiểm phải là 20-30%. Như vậy, giá thành nhà sẽ tăng lên tương đương. Giám đốc một công ty BĐS cũng cho rằng, chi phí đầu vào hiện đã quá nhiều và quá cao khiến giá nhà đất đang cao chót vót, ngay những người có thu nhập cao cũng khó với tới. Nay buộc chủ đầu tư mua thêm bảo hiểm nhà ở sẽ làm tăng giá nhà đất, người dân sẽ càng khó mua được nhà. “Giá nhà tăng cao người dân sẽ quay lưng lại với nhà đất, từ đó giao dịch giảm sút, khiến thị trường càng thêm ảm đạm”- vị này phân tích thêm.
Hiện tại, nhà ở đã phải gánh quá nhiều loại bảo hiểm, phí. Chẳng hạn, người dân phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Luật Phòng cháy, chữa cháy mỗi năm bình quân khoảng 500 nghìn đồng/căn hộ. Ngoài ra, các dự án khi xây dựng đều được bảo hành trong khoảng năm năm đầu và người dân cũng đã đóng 2%/tổng giá trị căn hộ phí bảo trì chung cư nên những hư hại đều được sửa chữa kịp thời. Như vậy, có thật cần thiết phải mua thêm một loại bảo hiểm mới hay không?
Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong tình trạng thị trường BĐS đang đóng băng, nhiều chủ đầu tư đang “cạn vốn”, khó có khả năng tiếp tục thực hiện dự án… nếu bắt buộc mua bảo hiểm không khác nào làm khó thêm cho doanh nghiệp. Cũng cần chú ý đến khả năng giá sản phẩm BĐS chắc chắn sẽ tăng, liệu người dân có chịu được trong khi giá nhà ở nước ta đang cao? Các hãng bảo hiểm có hào hứng, đủ khả năng thực hiện loại bảo hiểm cần dày vốn này không?
Ngành bảo hiểm ủng hộ
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai bảo hiểm nhà ở là cần thiết. Hầu hết các nước phát triển đều áp dụng loại hình này để bảo đảm quyền lợi của người dân khi nhiều dự án BĐS thời gian gần đây xây dựng dở dang, nhận tiền góp vốn của khách hàng nhưng không bàn giao nhà, thậm chí chủ đầu tư “bỏ của chạy lấy người”, gây mất niềm tin, hoang mang cho khách hàng.
Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc ủng hộ đề xuất mới này bởi đây là loại bảo hiểm bảo lãnh trách nhiệm thực hiện dự án BĐS. Ở nhiều nước trên thế giới đã thực hiện quy định này từ rất lâu. Việc mua bảo hiểm sẽ do chủ đầu tư bỏ tiền ra. Tất nhiên, họ có tính đến yếu tố làm tăng giá thành sản phẩm BĐS, nhưng sẽ khiến thị trường BĐS trong sạch hơn, hạn chế được tình trạng khách hàng phải chịu thiệt. Ông Lộc cũng cho rằng, nếu thực hiện được, ở nước ta hiện nay, việc bán bảo hiểm bảo lãnh các dự án BĐS có thể do các ngân hàng có “sức khỏe” tốt, công ty bảo hiểm uy tín đảm nhận. Tuy nhiên, cần phải có quy định về vốn pháp định là bao nhiêu thì được tham gia bảo hiểm bảo lãnh cho những dự án BĐS có giá trị ở mức cụ thể để tránh tình trạng “cõng đá quá sức”. Ngoài ra, cũng cần xét đến năng lực tái bảo hiểm của những DN tham gia bán loại bảo hiểm này.
Cũng theo ông Lộc đề xuất: Các chủ đầu tư mua bảo hiểm bảo lãnh trách nhiệm thực hiện dự án BĐS nếu đến thời hạn giao nhà mà chưa bàn giao được, phát sinh lãi suất, chi phí khác phải trả cho khách hàng thì lúc này bảo hiểm sẽ đứng ra trả. Hay khi chủ đầu tư mất năng lực tài chính, không thể tiếp tục thực hiện dự án, phía bảo hiểm sẽ tiếp tục rót vốn để dự án hoàn thiện, bàn giao nhà cho khách hàng.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành đề xuất, loại hình bảo hiểm này không nên bắt buộc mà nên để người dân tự nguyện lựa chọn; DN nào muốn tham gia thì mua. Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, bảo hiểm nhà ở nếu triển khai sẽ tốt cho khách hàng. Tuy nhiên, trong lúc này Nhà nước đang giảm hàng loạt loại thuế, phí cho BĐS như: giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi vay vốn để “cứu” BĐS, Bộ Xây dựng nên nghiên cứu các quy định xử phạt, chế tài các chủ đầu tư, những DN cố tình chây ỳ triển khai dự án, sử dụng vốn sai mục đích, chiếm dụng vốn của khách hàng nhằm lập lại kỷ cương cho thị trường BĐS đang rất lộn xộn thay vì đề xuất thêm những quy định mới. Ngoài ra, cần tìm các giải pháp khơi thông dòng vốn cho DN và khách hàng. Khi dòng vốn được “bơm” vào thị trường BĐS với lãi suất hợp lý sẽ giúp cho các dự án hồi sinh trở lại…

Nguồn:www.nhandan.org.vn

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.