Theo báo cáo của BHXH 63 tỉnh, thành phố, thời gian qua, trong điều kiện kinh tế – xã hội chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, BHXH các tỉnh luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của BHXH Việt Nam, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trên địa bàn.
Đơn cử, tại Hà Nội, hết tháng 7/2022, toàn thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 91,4% dân số với hơn 7,5 triệu người tham gia, tăng 0,5% so với cuối năm 2021.
Số người tham BHXH bắt buộc đạt trên 1,9 triệu người (chiếm 39% lực lượng lao động trong độ tuổi), 64.301 người tham gia BHXH tự nguyện, đều tăng hơn 2% so với cuối năm 2021.
Đến nay, trên 99,9% các đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH trên địa bàn đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, số còn lại thực hiện giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích. Đặc biệt, để đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân Thủ đô, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2025, Hà Nội còn có cơ chế hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện: 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% với các trường hợp khác, nâng tổng mức hỗ trợ lần lượt của các trường hợp này lên thành: 60%, 50% và 20% (tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn).
Tại TP.Hồ Chí Minh, tính hết tháng 7/2022, thành phố có gần 2,5 triệu người tham gia BHXH, tăng hơn 4,1% so với năm 2021; hơn 7,7 triệu người tham gia BHYT; hơn 2,3 triệu người tham gia BHTN. Tính đến ngày 10/8/2022, BHXH thành phố đã ban hành quyết định và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra 2.563 đơn vị. Qua thanh tra, số tiền đã khắc phục của 487 đơn vị đã được thanh tra là 52,7 tỷ đồng.
Trong công tác KCB BHYT, đại diện BHXH một số địa phương cho biết, nhiều vấn đề vướng mắc thời gian qua, trong đó có những tồn tại liên quan đến chi phí KCB BHYT của những năm trước đây, cũng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… đã được BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp giải quyết.
Tuy nhiên, theo báo cáo của BHXH các tỉnh, những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn trong công tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN; phát triển người tham gia BHXH, BHYT…
Việc thay đổi mức chuẩn hộ nghèo từ năm 2022 khiến mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng nên các tỉnh gặp khó trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia; ngoài ra, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ một bộ phận người dân không còn thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT… đã tác động đến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT ở một số địa phương.
Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn xảy ra phổ biến. Bên cạnh các doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19 nên không có khả năng nộp hoặc phải chậm nộp BHXH, vẫn còn có những doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng BHXH…
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh và các Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo, trong những tháng cuối năm 2022, BHXH các tỉnh cần quyết tâm, nỗ lực, linh hoạt hơn nữa trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ. Về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN phải tập trung, khẩn trương hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm.
Song song đó, trong 4 tháng cuối năm 2022, BHXH các tỉnh cần căn cứ tình hình cụ thể của địa bàn để chủ động, sáng tạo xây dựng các kịch bản chi tiết nhằm truyền thông, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT tới cấp huyện, xã.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn