Cụ thể, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 5 tháng đầu năm 2023 khoảng 9.084 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 31,6% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường) cao hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2022 (27,8%). Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là: bảo hiểm xe cơ giới (51,9%), bảo hiểm sức khỏe (34,1%), bảo hiểm hàng hóa (35,1%)…
Tính đến hết tháng 5 năm 2023, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 28.741 tỷ đồng, tăng 4,3%. Trong đó, bảo hiểm sức khỏe doanh thu đạt 8.993 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,3%, tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, bồi thường 3.066 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 34,1%.
Ngoài ra, bảo hiểm xe cơ giới doanh thu đạt 7.410 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,8%, giảm 5,4% so với cùng kỳ, bồi thường 3.849 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 51,9%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt 1.831 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,4%, giảm 6,0% so với cùng kỳ, bồi thường 372 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 20,3%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 5.578 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19,4%, bồi thường 3.476 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 62,3%…
Lượng xe hơi bán mới trong quý đầu năm 2023 giảm mạnh khiến tình hình khai thác doanh thu phí từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới gặp khó khăn. Ngoài ra, việc tỷ lệ bồi thường của năm 2022 tăng lên khá nhanh buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải để phí bảo hiểm xe cơ giới ở mức cao cũng là nguyên nhân khiến doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới giảm trong quý đầu năm 2023.
Các doanh nghiệp bảo hiểm phải cân đối khách hàng để đảm bảo cân đối thu chi bồi thường, thậm chí một số doanh nghiệp còn chấp nhận tăng phí bảo hiểm, “lựa chọn” khách hàng tốt để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, thay vì chạy theo doanh thu như trước.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn