Lập đường dây nóng, tăng cường thanh tra
Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp phản ánh hiện tượng một số tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm, thông qua việc tư vấn cho họ chuyển từ gửi tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hoặc tăng lãi suất/“ép” khách hàng tất toán khoản vay nếu khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm. Đi kèm với đó là việc nhân viên ngân hàng cung cấp các thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Trước thực tế trên, ngày 15/2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí về việc tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm ngày 21/2/2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Cơ quan Thanh tra, giám sát (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Lãnh đạo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã thống nhất thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Bộ Tài chính cũng thiết lập một đường dây nóng riêng để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp và người dân về bảo hiểm.
Nhìn nhận về động thái này, ông Trần Nguyên Đán, Giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, cơ quan quản lý cần có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để lập lại trật tự trên thị trường bảo hiểm nói chung, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng.
“Hai mươi năm qua, kênh đại lý truyền thống đã có quá nhiều tồn đọng chưa xử lý dứt điểm được, nay kênh bancassurance lại tiếp tục phát sinh thêm nhiều vấn đề mới. Tình trạng này cần được giải quyết, sớm trả lại ý nghĩa tốt đẹp thật sự cho ngành bảo hiểm”, ông Đán nói.
Chờ công khai kết quả thanh tra
Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, cơ quan này đã tiến hành thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo kết luận thanh tra. Nếu phát hiện vi phạm, Bộ sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Năm nay, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến thực hiện ở cả doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Thị trường đang trông ngóng kết luận thanh tra chính thức cũng như danh tính cụ thể của 4 doanh nghiệp bảo hiểm bị thanh tra.
Ông Lương Văn Ban, Thư ký Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt cho biết, theo Luật Thanh tra 2010, cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) phải công khai kết luận thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Cụ thể, chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra tại cuộc họp với thành phần bao gồm: “Người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo” và lựa chọn ít nhất một trong các hình thức công khai sau: “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra”. Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc pháp luật có quy định khác.
Dưới góc nhìn của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, pháp luật thanh tra lâu nay đều quy định như vậy, nhưng thực tế thì ít thấy việc công khai các kết luận thanh tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Hiếm có kết luận thanh tra nào liên quan đến ngân hàng được công bố công khai, vì pháp luật ngân hàng quy định công khai “trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước và nội dung nhạy cảm mà việc công bố có thể ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng”, mà ngân hàng thì có quá nhiều nhạy cảm”, ông Đức nói.
Trong khi đó, theo ông Trần Nguyên Đán, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, “cần rà lại xem có bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm thuộc diện tiết kiệm nhưng bị lái ra thành hợp đồng bảo hiểm; bao nhiêu hợp đồng được ký trong trạng thái bị ép, bao nhiêu hợp đồng được mua một cách tự nguyện và công bố rộng rãi danh sách trên, nhằm góp phần củng cố niềm tin cho thị trường”
Theo tinhnhanhchungkhoan.vn