Bancassurance vẫn là trụ cột, đại lý tiếp tục hụt hơi
Thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy, chỉ tính riêng tháng 9/2022, doanh thu phí mới toàn thị trường nhân thọ tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí mới của kênh đại lý tăng hơn 23%, kênh bancassurance tăng 80%… Có được mức tăng trưởng vượt bậc này là nhờ các doanh nghiệp đồng loạt tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng, đẩy tăng doanh thu phí mới trong quý cuối năm, đặc biệt tại kênh đại lý.
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí mới toàn thị trường nhân thọ chỉ tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bancassurance vẫn là kênh tăng trưởng tốt nhất, đạt khoảng 33%, trong khi kênh đại lý tính vẫn giảm hơn 10% , các kênh khác tăng hơn 35%… Dù có bứt phá trong tháng 9/2022, nhưng nhìn chung do việc tuyển dụng đại lý mới chưa khả quan nên doanh thu khai thác mới đến từ kênh này chưa đạt kỳ vọng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm lo ngại, việc khai thác doanh thu mới đến từ kênh đại lý sẽ chưa hết khó khăn khi các quy định về việc tính thuế cho đội ngũ đại lý thay đổi và có thể sẽ phải thực hiện ngay từ đầu năm 2023, khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/1/2023). Để gỡ khó cho kênh phân phối truyền thống đang mất đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục kiến nghị với các cơ quan chức năng về một số chính sách, đặc biệt là chính sách thuế.
Về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu phí bảo hiểm vẫn là sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (chiếm tỷ trọng 51,3%), nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đơn vị (20%)… Được biết, chiến lược phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp thời gian tới cũng sẽ có nhiều thay đổi khi theo quy định mới.
Theo đó, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, sản phẩm bảo hiểm hưu trí có trách nhiệm rà soát, thực hiện đầy đủ quy định tại sắc luật này, ngoại trừ quy định có liên quan tới quyền lợi bảo hiểm và các khoản phí tính cho khách hàng. Các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí được phê chuẩn trước thời điểm 1/1/2023 chưa đáp ứng quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được tiếp tục triển khai đến ngày 31/12/2024. Các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, gần như tất cả các sản phẩm bảo hiểm đang bán trên thị trường đều phải rà soát và điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định mới…
Nỗ lực mở rộng kênh phân phối
Dù sức tăng trưởng còn hạn chế, nhưng nhìn chung, sự phục hồi của doanh thu khai thác phí bảo hiểm mới cũng đóng góp đáng kể trong việc đẩy tăng tổng doanh thu lên mức 2 con số. Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính về thị phần tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trên thị trường, Bảo Việt Nhân thọ vẫn giữ vị trí số 1 với hơn 19,25% thị phần, Manulife gần 18%, Prudential gần 17%, Dai-ichi Life hơn 12%, AIA hơn 10%, MB Ageas 3,8%, FWD 3,18%, Sun Life 2,86%, Generali 2,77%, Hanwha Life 2,5%, Chubb Life 2,33%, Cathay Life 1,66%, MVI 1,54%, BIDV Metlife 0,99%…
Tuy nhiên, nếu tính doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Manulife Việt Nam đang nắm giữ ví trí số 1 với xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, tiếp đến là Prudential với hơn 6.600 tỷ đồng, Dai-ichi Life với hơn 5.000 tỷ đồng, rồi mới đến Bảo Việt Nhân thọ đạt gần 4.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, tính đến tháng 9/2022, doanh thu phí mới của MB Ageas đã vươn lên ngang hàng với AIA với hơn 2.600 tỷ đồng…
Nhìn chung, các doanh nghiệp nhân thọ vẫn giữ được thị phần và tốc độ tăng trưởng phí mới ở mức cao vẫn là các doanh nghiệp có lợi thế về hệ thống phân phối qua các ngân hàng và các kênh phân phối khác, ngoài kênh đại lý. Chính vì thế, để tăng trưởng doanh thu, ngoài 2 mô hình chủ chốt là kênh đại lý và bancassurance, các doanh nghiệp nhân thọ còn nỗ lực tìm kiếm các kênh phân phối khác.
Liên quan đến chiến lược mở rộng thị trường, mới đây, MAP Life và Happy Money đã chính thức ký kết hợp đồng hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua chuỗi hệ thống phòng giao dịch trên toàn quốc của thương hiệu tài chính vi mô này.
Theo đó, với thỏa thuận hợp tác trên, Happy Money sẽ tặng bảo hiểm nhân thọ tử kỳ dài hạn do MAP Life cung cấp cho toàn bộ khách hàng có khoản vay tại Happy Money nhằm cung cấp một dịch vụ tài chính toàn diện dành cho khách hàng…
Trong khi đó, nhằm đạt được những mục tiêu đề ra khi bước chân vào thị trường Việt Nam, từ nay đến cuối năm, ngoài việc đẩy mạnh hơn mảng bancassurance, Shinhan Life cần xây dựng thêm nhiều kênh phân phối khác.
Hiện tại, để những sản phẩm bảo hiểm của Shinhan Life bảo vệ được nhiều khách hàng Việt Nam hơn, hãng bảo hiểm đến từ Hàn Quốc bắt đầu thử nghiệm với kênh phân phối qua điện thoại (telemarketing). So với kênh bán hàng trực tiếp, bán hàng qua điện thoại có lợi thế là có số lượng khách hàng không giới hạn. Ở kênh này, Shinhan Life chỉ bán mạnh sản phẩm đơn thuần mang tính bảo vệ với mức phí rất dễ tham gia, tối thiểu từ 100.000/tháng…
Một số công ty bảo hiểm khác vẫn nỗ lực đẩy mạnh kênh trực tuyến. Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, doanh thu phí mới từ các kênh khác (chủ yếu là các sản phẩm trực tuyến) dù mới chiếm khoảng 2% tổng doanh thu, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm không ngại đầu tư mạnh vào các kênh này vì việc bán các sản phẩm trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng tiềm năng để bán chéo sản phẩm nhân thọ khác.
Đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ cho rằng, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe trực tuyến có doanh thu thấp vì mỗi hợp đồng chỉ dao động từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khi khách hàng dùng thử các sản phẩm này và có niềm tin vào công ty bảo hiểm, nhiều người sẵn sàng chi số tiền lớn để tham gia các gói bảo hiểm nhân thọ nhằm tối đa hóa kế hoạch tiết kiệm và bảo vệ.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn