Bảo hiểm nhân thọ có nữ CEO thứ hai
Bà Lo, Mei – Fang đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam (Fubon Việt Nam) từ ngày 24/10/2022. Đây là CEO nữ đầu tiên của Fubon Việt Nam và là CEO nữ thứ hai của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam (một nữ CEO khác là bà Tina Nguyễn tại Generali Việt Nam).
Trước khi trở thành CEO của Fubon Life Việt Nam, bà Lo, Mei – Fang từng đảm nhận các chức vụ quan trọng trong bộ máy kinh doanh của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon (Đài Loan) như Giám đốc Ban Huấn luyện kinh doanh Đài Trung, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đài Trung I. Từ tháng 5/2021, trên cương vị Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh, bà chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển của Fubon Life tại Việt Nam, đặc biệt là dự án CTM (đại lý toàn thời gian).
Bảo hiểm phi nhân thọ liên tục thay “tướng”
Cú đổi CEO trong tháng 10/2022 tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) gây chú ý toàn thị trường do được công bố ngay sau kết quả kinh doanh lỗ 184 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. PTI đã bổ nhiệm ông Nguyễn Kim Lân giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc thay cho ông Bùi Xuân Thu. Gia nhập PTI từ những ngày đầu thành lập, ông Lân có 21 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm. Trước khi trở thành Phó tổng giám đốc PTI vào năm 2018, ông từng đảm nhận chức vụ Giám đốc PTI Thăng Long – công ty thành viên chủ lực của PTI
PTI cũng bổ nhiệm một loạt vị trí nhân sự cấp trung: ông Lê Xuân Bách giữ chức danh Kế toán trưởng, thay bà Cao Thu Hiền; bổ nhiệm bà Lưu Phương Lan, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh bảo hiểm thương mại làm thành viên Ban lãnh đạo quản trị chiến lược, phụ trách nghiệp vụ bảo hiểm; bổ nhiệm ông Đỗ Quang Khánh, Giám đốc quản trị hoạt động làm thành viên Ban lãnh đạo quản trị chiến lược, phụ trách kiểm soát nghiệp vụ.
Khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ liên tục có tình trạng thay đổi vị trí lãnh đạo cấp cao.
Cũng trong tháng 10, Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA bổ nhiệm ông Võ Mạnh Tín giữ vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành và bổ nhiệm bà Vũ Thị Thu Quỳnh giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách các chi nhánh khu vực miền Bắc. Đây là công ty con trực thuộc Tập đoàn BCG.
Trước đó, đầu tháng 9, bà Lê Thị Ngọc Hương thôi giữ chức Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị đảm nhiệm vai trò người đại diện pháp luật của doanh nghiệp từ ngày 1/9/2022. Giữa tháng 9, Bảo Long bổ nhiệm một loạt vị trí nhân sự quan trọng như Phó tổng giám đốc kinh doanh.
Cuối tháng 8, Tập đoàn Bảo Việt – công ty mẹ của Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân thọ đồng thời thay cả Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc: ông Đào Đình Thi không còn là Chủ tịch Tập đoàn sau 8 năm giữ cương vị này và ông Đỗ Trường Minh thôi giữ chức CEO. Bên cạnh đó, cả ông Thi và ông Minh không còn được giao đại diện vốn góp của Nhà nước tại Tập đoàn.
Thay vào đó, bà Trần Thị Diệu Hằng, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt sẽ phụ trách Hội đồng quản trị trong thời gian ghế Chủ tịch tạm khuyết; ông Nguyễn Đình An, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt được bổ nhiệm vị trí Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn.
Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), vị trí CEO thay đổi trong tháng 3. Có 21 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm và hơn 5 năm gắn bó với BSH trong vai trò là Giám đốc BSH Nghệ An và Phó tổng giám đốc BSH, ông Nguyễn Văn Trưởng được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc BSH.
Trong tháng 3/2022, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc, thay thế ông Đào Nam Hải, người có 9 năm giữ cương vị này và có 26 năm gắn bó với PJICO ở nhiều vị trí quản lý khác. Ông Hải nhận nhiệm vụ mới là Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Ngay từ đầu năm 2022, ông Lê Quốc Bình thôi giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành. Ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm nhiệm vị trí Tổng giám đốc từ đó đến nay.
Có nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra cho mỗi lần “thay tướng”. Trong trường hợp của PTI, ngoài một số lý do như ông Thu (sinh năm 1963) gần đến tuổi về hưu thì một lý do được nhắc đến nhiều nhất mang tên “lỗ do Covid”. PTI bị lỗ do triển khai chương trình bảo hiểm Vững Tâm An (bảo hiểm cho người bị nhiễm Covid-19) dưới thời ông Thu làm Tổng giám đốc.
Nói về vụ tổn thất từ chương trình bảo hiểm trên, tháng 10/2022, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI cho biết: “Chúng tôi chưa đóng lại được (PTI vẫn đang giải quyết cho khách hàng tham gia chương trình – PV) và cần có thời gian để khắc phục hậu quả. Ban lãnh đạo mới của PTI sẽ cần phải quyết tâm nhiều hơn để giúp PTI đứng dậy và có những bước đi thành công mới”.
Bà Hương gọi năm 2022 là năm thách thức nhất trong lịch sử hoạt động của PTI. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong 9 tháng đầu năm 2022, PTI đạt doanh thu thuần hơn 3.831 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất âm 349,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 247,5 tỷ đồng.
Chất lượng nhân sự ngành bảo hiểm còn khiêm tốn
Toàn thị trường hiện có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, với nguồn nhân lực khoảng 1 triệu lao động.
Theo Bộ Tài chính, chất lượng nhân sự ngành bảo hiểm tại Việt Nam còn khiêm tốn. Do thiếu hụt nhân sự có trình độ chuyên môn nên nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tạm thời tuyển dụng từ các chuyên ngành khác và đào tạo ngắn hạn kiến thức cơ bản về bảo hiểm.
Sau một vài năm công tác, các nhân sự này được đề bạt lên những vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp. Điều này tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho riêng doanh nghiệp, mà còn cho cả thị trường.
Quy định hiện hành có yêu cầu điều kiện chứng chỉ đào tạo đối với chức danh quản trị, điều hành trong doanh nghiệp bảo hiểm như chủ tịch, tổng giám đốc, chuyên gia tính toán, kế toán trưởng, trưởng bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nhưng chưa có quy định chi tiết về khung năng lực của các vị trí và các chứng chỉ này được thực hiện ra sao.
Bên cạnh đó, các chức danh không được Bộ Tài chính phê chuẩn nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong công tác điều hành của doanh nghiệp, đòi hỏi phải có quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn, năng lực.
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2023, đã có các quy định bù đắp sự thiếu hụt trên. Ngoài ra, trước thực tế từng có CEO bảo hiểm sau khi dính “phốt” (vi phạm) dẫn đến bị sa thải, nhưng sau đó vẫn được chào đón ở vị trí tương tự tại công ty bảo hiểm khác, Luật mới quy định, lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm không bị xử phạt vi phạm hành chính mới được bổ nhiệm.
Cụ thể, các nhân sự chủ chốt muốn được bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn chung là không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, không bị xử lý kỷ luật dưới hình thức sa thải do vi phạm quy trình nội bộ trong 3 năm liên tục trước thời điểm được bổ nhiệm, không bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật tại thời điểm được bầu, bổ nhiệm.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn