Những cơ hội mới cho ngành bảo hiểm Việt Nam

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với nhiều quy định mới, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển mạnh mẽ và chất lượng hơn.

Có “mở” có “siết”

Theo lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Chẳng hạn, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng… để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự, dễ áp dụng trên thực tế.

Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi cũng bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ… để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm. Đối với việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Luật đã sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Đối với hoạt động của các doanh nghiệp này, Luật bãi bỏ quy định phải chấp thuận đối với việc đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và thay bằng hình thức thông báo Bộ Tài chính trước khi có thay đổi… nhằm cắt giảm thủ tục hành chính.

Luật mới cũng cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm và chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc); bổ sung quy định về hoạt động thuê ngoài.

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi bổ sung nguyên tắc, yêu cầu, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng để phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Tuy Luật có nhiều quy định “mở cửa” nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho doanh nghiệp nhưng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, Dự thảo Nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật mới cũng đưa ra nhiều quy định siết chặt. Chẳng hạn như quy định kênh bán qua ngân hàng (bancassurance) và đại lý phải giảm chi phí trả năm đầu là vấn đề các doanh nghiệp bảo hiểm e ngại nhiều nhất, đặc biệt là các doanh nghiệp đang phát triển mạnh bancassurance.

Có 2 luồng ý kiến đối với việc giảm chi phí năm đầu cho các kênh phân phối, đặc biệt là kênh bancassurance. Một số doanh nghiệp đồng thuận với quy định này, thậm chí còn yêu cầu phải siết chặt hơn chi phí chi cho bancassurance để giảm phí năm đầu trả cho ngân hàng, nếu năm thứ hai có tỷ lệ duy trì cao mới trả thêm. Ở chiều ngược lại, một số khác không đồng ý vì cho rằng nếu siết chặt tỷ lệ chi phí năm đầu sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khai thác phí mới của các ngân hàng.

Với mục đích siết chặt các loại chi phí như tại dự thảo là muốn làm giảm phí hoa hồng trả cho ngân hàng và đại lý để giảm chi phí cho khách hàng, giúp phí sản phẩm trở nên rẻ hơn, đến gần với người dân hơn… Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, cần có quy định về tỷ lệ giảm chi phí năm đầu theo hướng dung hòa hơn để thị trường còn phát triển.

Cùng với việc siết giảm chi phí năm đầu cho các kênh phân phối bảo hiểm, việc thay đổi thể loại hợp đồng của đại lý và quản lý đại lý sẽ dẫn đến sự thay đổi về cách tính thuế, đặc biệt đối với cấp quản lý đại lý.

Đây cũng là vấn đề khiến các doanh nghiệp bảo đang kiến nghị phải có cách tính hợp lý hơn vì thu nhập của các cấp quản lý sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ tăng cao lên đến 35% là không hợp lý vì quản lý đại lý cũng như một doanh nghiệp nhỏ, họ phải chịu nhiều chi phí nên không thể áp dụng cách tính thuế thu nhập cá nhân như nhân viên đi làm không có chi phí. Cách tính thuế này sẽ không khuyến khích kênh đại lý phát triển…

Được biết, việc tính thuế cho đội ngũ đại lý có thể sẽ phải thực hiện ngay từ đầu năm 2023 khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/1/2023) và Nghị định cũng như Thông tư hướng dẫn thi hành Luật được ban hành.

Việc tính phí các sản phẩm bảo hiểm mới cũng phải rà soát lại theo quy định mới trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm, tuy nhiên, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, sản phẩm bảo hiểm hưu trí có trách nhiệm rà soát, thực hiện đầy đủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ngoại trừ quy định có liên quan tới quyền lợi bảo hiểm và các khoản phí tính cho khách hàng.

Các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí được phê chuẩn trước thời điểm 1/1/2023 chưa đáp ứng quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được tiếp tục triển khai đến ngày 31/12/2024.

“Mở cửa” cho bảo hiểm đầu tư

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đủ lớn mạnh và có sự tham gia của hầu hết các tập đoàn bảo hiểm lớn nhất trên thế giới, nên việc ban hành danh mục đầu tư không còn phù hợp. Vì vậy, từ năm 2023, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ theo nguyên tắc “chọn bỏ”, thay vì “chọn cho” như hiện nay.

Cụ thể, từ năm 2023, sẽ không cấm đầu tư ra nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện về tài chính và quản lý ngoại hối.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập hoặc góp vốn thành lập; góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài; mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.

Tuy nhiên, đây là nội dung rất mới nên Quốc hội giao Chính phủ có hướng dẫn cụ thể và Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bao gồm cả nội dung này.

Theo quy định mới, kể từ năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm được tự do kinh doanh, đầu tư ngoài những lĩnh vực cấm nêu trên. Song, để bảo đảm an toàn, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, trong mỗi lĩnh vực, doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư một tỷ lệ cụ thể để phân tán rủi ro, tránh trường hợp “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Cụ thể, theo Điều 99 – Quy định chung về đầu tư trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm không được vay để đầu tư, ủy thác đầu tư vào chứng khoán, kinh doanh bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác; không được đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau; không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; không được phép đầu tư kim khí quý, đá quý; đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh, trừ một số trường hợp có quy định khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cũng không được kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh…

Hiện nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư, chứ không tới từ hiệu quả kinh doanh bảo hiểm gốc, nên việc quy định mới “mở cửa” cho hoạt động đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều nguồn lợi nhuận mới hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, vì ngành kinh doanh có đặc thù riêng nên quan điểm xuyên suốt đối với các doanh nghiệp bảo hiểm là đầu tư an toàn.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm BIDV (BIC) cho hay, trong danh mục đầu tư của BIC, Ban điều hành ổn định đầu tư tiền gửi vào các ngân hàng tốt nhất, tập trung khai thác cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất, đồng thời cẩn trọng hơn trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. BIC không tham gia mua trái phiếu của các doanh nghiệp không có mục đích sử dụng vốn rõ ràng.

Trong chiến lược dài hạn đến năm 2025, Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) cũng xác định sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư để đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao, mà vẫn tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng và rủi ro đầu tư để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn…

Không chỉ khối phi nhân thọ, đầu tư sinh lời nhưng phải an toàn cũng là nguyên tắc cao nhất của các doanh nghiệp nhân thọ. Với khối này, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết hạn mức đầu tư đối với mỗi sản phẩm bảo hiểm, ngoài việc phải đảm bảo tuân thủ quy định chung về nguyên tắc đầu tư tại Luật Kinh doanh bảo hiểm mới.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.