Doanh thu phí mới của bancassurance dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2025

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, đến 31/12/2021 có 16/18 các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ký 61 hợp đồng hợp tác với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Trong đó, có đến 40 hợp đồng hợp tác theo hình thức độc quyền và chỉ có 21 hợp đồng hợp tác không độc quyền.

Mặc dù xuất hiện sau những kênh phân phối truyền thống như đại lý bảo hiểm hay môi giới bảo hiểm, nhưng đến nay, bancassurance đã phát triển rất nhanh chóng và ngày càng trở thành một kênh phân phối quan trọng của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bancassurance đã trở thành một trong hai kênh phân phối chủ lực của doanh nghiệp cùng với kênh đại lý bảo hiểm.

Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, với khối bảo hiểm phi nhân thọ, tỷ trọng doanh thu bảo hiểm qua ngân hàng khai thác chỉ khoảng 7% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ của toàn thị trường và tốc độ tăng trưởng định khoảng 10%. Tuy nhiên, đối với khối nhân thọ, doanh thu phí khai thác mới qua ngân hàng tăng trưởng ở mức rất cao, trung bình là 55% trong giai đoạn này.

Nếu chỉ tính riêng doanh thu thu phí bảo hiểm khai thác mới của bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng, thì năm 2021 mức tăng trưởng đạt 58% so với năm 2020 và chiếm 41,4% tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Mức đóng góp này được dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2025. Khai thác qua ngân hàng đã góp phần đáng kể trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao và ổn định của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ trong vài năm trở lại đây với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%.

Theo bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, do đặc thù của kênh bancassurance, khách hàng mua bảo hiểm thường sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nên sẽ bị tác động bởi uy tín hoặc áp lực từ ngân hàng trong việc mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, nhân viên bán bảo hiểm tại ngân hàng cũng mang tính kiêm nhiệm nên tính chuyên nghiệp, sự tập trung bán hàng không cao. Áp lực đạt doanh số có thể dẫn đến tư vấn sản phẩm không phù hợp với nhu cầu, công tác chăm sóc khách hàng hạn chế…

Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích cho bên mua bảo hiểm, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phân phối bảo hiểm qua các tổ chức tín dụng, luật kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung một số điều luật đặc thù với tổ chức tín dụng, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức trong việc chào bán, tư vấn, giới thiệu sản phẩm đối với khách hàng.

Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ ban hành các quy định chi tiết liên quan đến trình độ năng lực của các cán bộ phụ trách hoạt động đại lý bảo hiểm trong các tổ chức đại lý, trong đó có cả ngân hàng.

Bộ Tài chính cũng sẽ có những quy định rõ điều kiện về hệ thống công nghệ thông tin, sự kết nối giữa công ty bảo hiểm với các tổ chức đại lý, những điều kiện về việc thiết lập quy trình giám sát các hoạt động của đại lý, tổ chức để đảm bảo các đại lý tổ chức có thể bố trí nguồn lực tương xứng với yêu cầu của hoạt động tự vấn, chào bán bảo hiểm.

Ngoài ra, để tăng cường trách nhiệm của tổ chức đại lý trong việc tư vấn sản phẩm, cơ quan chức năng cũng sẽ bổ sung nhóm trách nhiệm liên quan đến việc cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho khách hàng, quản lý chất lượng nhân viên tư vấn trong tổ chức đại lý. Bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm tra và đánh giá chất lượng hoạt động dịch vụ đại lý bảo hiểm…

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.