Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm khai mới toàn thị trường tháng 1/2020 giảm khoảng 5% chủ yếu do đây là thời điểm Tết nên doanh thu thường không cao, mà không hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19.
Từ đầu tháng 2, tăng trưởng phí khai thác mới diễn biến khả quan, chứ không ảm đạm như dự báo trước đó.
“Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới những ngày đầu tháng 2 của Công ty có hơi chậm, nhưng đã khả quan hơn sau đó. Sự tăng trưởng chủ yếu ghi nhận ở kênh đại lý”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.
Tại Dai-ichi Life Việt Nam, sau thời gian điều chỉnh tốc độ tăng trưởng ở kênh đại lý với mức tăng doanh thu phí mới âm 10% trong năm 2019, hãng bảo hiểm này đặt mục tiêu tăng trưởng trở lại ở kênh này trong năm 2020 là 25%.
Ông Trần Đình Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, tính sơ bộ trong tháng đầu năm 2020 thì doanh thu phí bảo hiểm đến từ kênh bancassurance không tăng nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước, trong khi kênh đại lý bắt đầu tăng trưởng trở lại.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí mới đang tăng trưởng khả quan, chứ không ảm đạm như dự báo, một phần xuất phát từ việc người dân người dân đã ý thức hơn trong việc mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro dịch bệnh, trong khi các hãng bảo hiểm cũng tìm cách đẩy mạnh việc bán bảo hiểm như tăng cường thi đua cho khối đại lý, tăng gặp trực tiếp khách hàng thay vì tổ chức các hội thảo…
Còn theo lãnh đạo cấp cao của một công ty bảo hiểm, nguyên ngân chủ yếu là do chính sách thi tuyển đại lý thay đổi.
“Việc người dân quan tâm hơn đến bảo hiểm khi dịch bệnh xảy ra chỉ là một phần, còn tôi cho rằng, lý do chính khiến doanh thu phí mới từ kênh đại lý tăng trưởng trở lại đến từ việc cơ quan chức năng tạm thời cho phép đại lý thi tuyển trên giấy ngay tại các cơ sở của doanh nghiệp bảo hiểm, thay vì thi online theo quy định mới để tránh các cuộc tụ họp đông người khi đang có dịch bệnh”, vị lãnh đạo trên cho biết.
Thực tế, năm 2019, doanh thu phí mới của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ giảm sút ngoài do một số doanh nghiệp có thị phần lớn điều chỉnh tốc độ tăng trưởng, thì còn do quy định tuyển dụng đại lý mới chặt chẽ, khó khăn hơn, dẫn đến không tăng trưởng ở kênh này.
Trong khi đó, đối với ngành bảo hiểm nhân thọ, khoảng 40% doanh thu phí bảo hiểm đến từ đại lý mới gia nhập trong 3 tháng đầu tiên, nên khi việc tuyển dụng giảm, doanh thu phí mới sẽ tăng trưởng chậm lại.
Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, thì nhiều khả năng trong tháng 3 tới, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiếp tục thực hiện thi tuyển đại lý mới tại cơ sở của doanh nghiệp và khi việc tuyển dụng mới tăng, ắt sẽ kéo tăng trưởng doanh thu phí mới tăng theo.
Theo giới chuyên gia, một thị trường bảo hiểm đang phát triển như Việt Nam thường phụ thuộc vào tuyển dụng đại lý mới. Khi hoạt động tuyển dụng gặp khó khăn, công ty bảo hiểm có xu hướng “đi đường vòng” qua các mô hình khác để tăng số lượng đại lý.
Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo thị trường cũng như doanh nghiệp phát triển bền vững, việc nâng cao chất lượng bán hàng ngay từ khâu tuyển dụng đại lý luôn là mục tiêu doanh nghiệp hướng tới. Điều này giải thích vì sao các doanh nghiệp bảo hiểm dành nhiều nguồn lực để phát triển mô hình đại lý toàn thời gian
“Kênh đại lý chuyên nghiệp hay đại lý toàn thời gian có năng suất lao động rất cao, nhưng chưa thể là lực lượng nòng cốt để đảm bảo doanh thu phí mới tăng trưởng cao do còn khiêm tốn về mặt số lượng. Hiện nay, mức tăng doanh thu phí mới vẫn chủ yếu đến từ lực lượng đại lý bán thời gian”, CEO một công ty bảo hiểm chia sẻ.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn