Ông đánh giá thế nào về nhận thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ sau 20 năm hình thành và phát triển thị trường?
Bảo hiểm nhân thọ hoạt động từ 1996, nhưng phải đến năm 2000 – khi 5 công ty bảo hiểm được cấp phép và triển khai kinh doanh thì thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam mới chính thức hình thành và bắt đầu cạnh tranh nhau về sản phẩm, kênh phân phối, khách hàng và thị phần.
20 năm qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ.
Tính đến cuối năm 2019, doanh thu ước đạt trên 107.000 tỷ đồng, đầu tư vào nền kinh tế trên 340.000 tỷ đồng, hơn 10 triệu người được bảo hiểm thông qua sản phẩm bảo hiểm chính và hơn 17 triệu người thông qua sản phẩm bảo hiểm bổ trợ.
Trong 20 năm, mỗi năm bình quân có xấp xỉ 1 triệu hợp đồng bảo hiểm đáo hạn, hoặc chấm dứt trước hạn, hoặc được chi trả quyền lợi tử vong.
Tổng cộng, đã có 30 triệu lượt người tham gia bảo hiểm với tư cách chủ hợp đồng bảo hiểm và hơn 30 triệu lượt người được tham gia sản phẩm bảo hiểm bổ trợ (chủ yếu là bảo hiểm sức khoẻ).
Ngoài ra, mỗi năm trung bình các công ty bảo hiểm còn chi trả quyền lợi bảo hiểm cho trên 1 triệu lượt người đáo hạn, chấm dứt trước hạn, ốm đau, tai nạn với số tiền chi trả trên 10.000 tỷ đồng.
Như vậy, số lượt người được hưởng quyền lợi/chi trả bảo hiểm nói riêng và được bảo hiểm nhân thọ nói chung khá cao.
Nếu tính cả những người đã dự hội thảo, đã được đại lý tiếp cận bán hàng thì cơ hội để người dân hiểu hơn về bảo hiểm nhân thọ là không nhỏ.
Nhờ đó, nhận thức của người dân được cải thiện rõ rệt hơn so với trước. Dẫu vậy, thực tế cho thấy, mức độ hiểu biết của từng người dân về bảo hiểm nhân thọ còn chưa đồng đều.
Việc các công ty bảo hiểm, tổ chức phụ trợ bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ khách hàng cũng là yếu tố giúp nâng cao nhận thức cho người dân về bảo hiểm nhân thọ?
Cùng với sự phát triển trong hoạt động kinh doanh, các công ty bảo hiểm, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phục vụ khách hàng.
Điều này giúp người dân tiếp cận thông tin về bảo hiểm dễ dàng hơn, từ đó nâng cao sự hiểu biết về bảo hiểm.
Các ứng dụng công nghệ thông tin ở đây được thực hiện trong các hoạt động như kê khai giấy yêu cầu bảo hiểm, đăng ký mua bảo hiểm, thông tin về đóng phí bảo hiểm và các quyền lợi bảo hiểm, hướng dẫn thủ tục và yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm…
Sự hiểu biết về bảo hiểm được cải thiện có giúp niềm tin của người dân đối với bảo hiểm nhân thọ gia tăng?
Hiện chưa có thống kê chính thức đo lường niềm tin của người dân Việt Nam dành cho bảo hiểm nhân thọ, nhưng theo cảm nhận của cá nhân tôi thì niềm tin này đang ngày càng lớn hơn. Mặc dù đâu đó vẫn có những phàn nàn, khiếu kiện về quyền lợi bảo hiểm, nhưng dựa trên sự hỗ trợ, việc giải quyết tranh chấp một cách công tâm, khách quan của cơ quan chức năng và con số chi trả bảo hiểm tăng theo từng năm của công ty bảo hiểm, việc khẳng định người dân ngày một tin hơn vào lĩnh vực đầy tính nhân văn như bảo hiểm nhân thọ là có cơ sở.
Niềm tin ở đây còn được chứng minh bởi lượng hợp đồng được ký kết mỗi năm tăng cả về số lượng lẫn giá trị hợp đồng. Tầng lớp doanh nhân, người nổi tiếng… ngày càng tích cực mua bảo hiểm với mệnh giá lớn, đáng chú ý có những hợp đồng bảo hiểm giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Trong bối cảnh các kênh phân phối ngày một đa dạng, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ 4.0, theo ông, lực lượng đại lý bảo hiểm còn có thể đóng vị trí “đinh” trong hoạt động tư vấn, bán bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm?
Hiện tại, kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng đang phát triển mạnh mẽ, có thời điểm chiếm xấp xỉ 15% trong tổng doanh thu bảo hiểm khai thác mới, thậm chí kênh này tại một số công ty bảo hiểm nhân thọ còn lên tới 30%.
Thực tế này cho thấy, vai trò của đại lý cá nhân truyền thống (làm việc tại các công ty bảo hiểm) trong tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho người dân có nhu cầu bảo hiểm tham gia bảo hiểm nhân thọ không còn lớn như trước đây.
Lâu nay, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thường lựa chọn cách gia tăng quyền lợi cho người bán hàng (là đại lý), mà ít quan tâm tới gia tăng quyền lợi cho người mua hàng (là khách hàng).
Ngoài hoa hồng, đại lý còn được nhận các khoản thưởng về vượt mức doanh thu, vượt mức số lượng hợp đồng bảo hiểm, tuyển dụng đại lý mới, danh hiệu…
Tuy nhiên, hiện nay đã khác. Các công ty bảo hiểm đang hướng tới việc tăng nhiều lợi ích cho khách hàng hơn là tăng thêm quyền lợi cho người bán hàng.
Công ty bảo hiểm đang lấy khách hàng là “kim chỉ nam” cho mọi mọi hoạt động của mình.
Bằng việc xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ khách hàng như tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, so sánh lựa chọn sản phẩm bảo hiểm thông qua việc mua online , kê khai giấy yêu cầu bảo hiểm, kiểm tra các quyền lợi bảo hiểm và tình trạng hợp đồng bảo hiểm…, khách hàng đang tin tưởng vào công ty bảo hiểm hơn
Mặt khác, thông qua việc bổ sung phạm vi bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm…, những yếu tố này sẽ tạo được sức cạnh tranh thu hút khách hàng.
Điều đó cũng có nghĩa, sự cạnh tranh mới buộc công ty bảo hiểm phải thay đổi về chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để gia tăng quyền lợi khách hàng.
Trong tương lai không xa, thị trường sẽ không còn chỗ cho đại lý bảo hiểm thiếu chuyên nghiệp (hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ nói chung, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nói riêng thấp hơn khách hàng, hạn chế về kỹ năng giao tiếp, tư vấn, thuyết trình, hướng dẫn khách hàng tham gia bảo hiểm…), coi đại lý bảo hiểm chỉ là nghề phụ để kiếm thêm thu nhập…
Còn với các đại lý chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, các công ty bảo hiểm vẫn luôn rất cần lực lượng này bởi đây chính là “bộ mặt” của doanh nghiệp.
Hơn nữa, dù công nghệ có phát triển thế nào thì cũng khó có thể thay thế được vị trí con người, đặc biệt trong bảo hiểm nhân thọ, nơi niềm tin được tạo dựng từ trái tim đến trái tim.
Theo baohiemxahoi.gov.vn