Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 11 Luật mới

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để thực hiện đa mục tiêu, trước hết vì tăng trưởng kinh tế, cùng với đó là giải quyết công ăn việc làm cho giới trẻ, thích ứng với già hoá dân số; rút dần khoảng cách sự chênh lệch về giới, tiến tới tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có thể cân bằng… Quan trọng nhất là để người già khi về hưu được thụ hưởng BHXH – Đây là một trong hai trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh xã hội.

Chiều 16/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 Luật vừa được Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua.

Theo đó, 11 luật được công bố gồm: Bộ Luật Lao động, Luật Thư viện, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán.

Các luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 trừ Bộ Luật Lao động, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 10/01/2020.

Trong các Luật được công bố, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và Bộ luật Lao động thu hút sự quan tâm của xã hội.

Giới thiệu về những điểm mới của Bộ Luật Lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Luật Lao động với 17 chương, 220 điều đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, trong đó đã mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả người lao động (NLĐ) có quan hệ lao động khoảng gần 20 triệu người và NLĐ không có quan hệ lao động. Mở rộng sự bảo vệ đối với lao động chưa thành niên ở cả khu vực chính thức và phi chính thức, lao động chưa thành niên làm việc không có quan hệ lao động.

Về tuổi nghỉ hưu, Bộ luật đã thể chế hoá Nghị quyết Trung ương số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình: trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nữ và mỗi năm tăng 4 tháng đối với nam kể từ năm 2021.

Bộ luật cũng quy định nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng và quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm giờ đến 300 giờ/năm. Bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của báo chí và xã hội là việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến lương hưu và quyền lợi của người lao động như thế nào? Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thể chế Nghị quyết Trung ương số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH và đang là xu hướng của hầu hết quốc gia, nhất là quốc gia đang già hoá dân số. Tuy nhiên, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ đối với bất kỳ quốc gia nào. “Đây là quyết tâm chính trị lớn của chúng ta, thể hiện tầm nhìn dài, có tính chiến lược, đi tắt đón đầu xu hướng già hóa dân số” – Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để thực hiện đa mục tiêu, trước hết vì tăng trưởng kinh tế, cùng với đó là giải quyết công ăn việc làm cho giới trẻ, thích ứng với già hoá dân số; rút dần khoảng cách sự chênh lệch về giới, tiến tới tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có thể cân bằng.

Bộ trưởng cho hay: Kèm theo sửa Bộ luật này phải sửa đổi rất nhiều các luật liên quan đến quyền của người nghỉ hưu, người được hưởng chế độ hưu. Trước hết năm 2021 phải  khẩn trương sửa đổi Luật BHXH và Luật Việc làm.

Mục tiêu của chúng ta khi điều chỉnh tuổi hưu cộng với BHXH là nhiều người tham gia BHXH hơn và Bộ luật Lao động sửa đổi không chỉ dừng ở 20 triệu người đóng BHXH bắt buộc, mà sẽ mở rộng ra 34,5 triệu người trong đó có khu phi chính thức (không có quan hệ lao động) để số người đóng BHXH tăng lên kể cả đóng BHXH tự nguyện, tiến tới BHXH toàn dân. Khi đó, quan trọng nhất người già khi về hưu được thụ hưởng BHXH. Đây là một trong hai trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh xã hội.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước 01/7/2020) thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm; gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Về kỷ luật cán bộ, công chức, nâng thời hạn xử lý kỷ luật lên 90 ngày và 150 ngày đối với các trường hợp phức tạp thay vì quy định hiện hành là 60 ngày và 90 ngày. Quy định rõ việc bổ nhiệm khi bị kỷ luật, không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng nếu bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương; không bổ nhiệm chức vụ trong thời hạn 24 tháng nếu bị kỷ luật giáng chức, cách chức.

Đáng chú ý, Luật sửa đổi quy định về áp dụng ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ 12 tháng đến 60 tháng đối với viên chức được tuyển dụng mới sau ngày 01/7/2020 trừ trường hợp viên chức được tuyển dụng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì vẫn áp dụng chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn./.

Theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.