Thay đổi nhận thức và cách tiếp cận từ bảo vệ người lao động nữ sang thúc đẩy bình đẳng giới

Sáng ngày 09/10/2019, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UNWomen) tổ chức Hội thảo tham vấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện liên đoàn lao động, Sở LĐ-TBXH, Ban quản lý các Khu công nghiệp tại một số địa phương và đại diện các doanh nghiệp.

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh bình đẳng, không phân biệt đối xử là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Về cơ bản, Bộ luật Lao động năm 2012 đã bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Cụ thể, hầu hết các quy định của Bộ luật Lao động đều được áp dụng chung cho cả hai giới nam và nữ. Bên cạnh đó, xuất phát từ những đặc điểm tự nhiên và xã hội đặc thù, Bộ luật Lao động 2012 đã dành riêng một chương đưa ra những quy định đối với lao động nữ. Những quy định này đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ khi tham gia thị trường lao động.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế – xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới của Bộ luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ một số vấn đề có thể không còn phù hợp. Có những quy định bảo vệ lao động nữ với mục tiêu hướng đến là tốt, nhưng có thể dẫn đến phân biệt đối xử trên thực tế như cấm một số công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam…

Theo Báo cáo đánh giá tác động giới và đánh giá tác động xã hội của Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi đã chỉ ra một số nội dung không khả thi do thiếu quy định cụ thể phù hợp như vấn đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ v.v…

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách gồm các chuyên gia, đại diện người lao động, người sử dụng lao động cùng nghiên cứu, nhìn nhận và thống nhất các cơ chế chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với thực tiễn của quốc gia và bắt kịp xu thế toàn cầu. Các vấn đề đó có tác động, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến hầu hết các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hàng chục triệu lao động nam và lao động nữ trên trên thị trường lao động. Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới phải phù hợp với các nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo sự tương thích với các Công ước quốc tế mà nước ta đã tham gia như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế.

Thay đổi nhận thức và cách tiếp cận từ bảo vệ người lao động nữ sang thúc đẩy bình đẳng giới

Bên cạnh đó, cần thay đổi cách tiếp cận, từ cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền” đối với cả hai giới, lao động nam và lao động nữ.

Theo đó cần quy định về các biện pháp nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế và quy định bảo vệ thai sản đối với cả lao động nam và lao động nữ, với các biện pháp, quy định cụ thể, khả thi.

Việc thay đổi nhận thức và cách tiếp cận từ bảo vệ người lao động nữ sang thúc đẩy bình đẳng giới cũng được đại diện tổ chức UN Women tại Việt Nam khuyến nghị tại Hội thảo.

Trong đó nhấn mạnh 4 vấn đề chính bao gồm: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; Bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới, không phân biệt đối xử trên cơ sở giới về cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện quyền và hưởng thụ lợi ích trong lao động, đặc biệt là thực hiện chức năng thai sản, chăm sóc con nhỏ phù hợp với đặc điểm giới tính; Hoàn thiện cơ chế chia sẻ trách nhiệm một cách phù hợp, hiệu quả giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ người lao động gửi con vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo; Hoàn thiện khung pháp lý phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, góp phần đảm bảo môi trường làm việc an toàn lành mạnh.

Các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến liên quan đến các vấn đề của Bộ luật Lao động, trong đó chú trọng đến đến bình đẳng giới. Đa số các ý kiến đồng tình với Dự thảo, và cho rằng cần đảm bảo cách tiếp cận hiện đại là trao quyền cho phụ nữ.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị Ban soạn thảo, Vụ Pháp chế tiếp thu một cách hợp lý nhất, phù hợp nhất với các vấn đề thực tiễn, hội nhập quốc tế và những vấn đề hiện nay đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện rà soát và chốt phương án Dự thảo Bộ luật để trình lên Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa XIV./.

Theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.