Ngày 15/10/2013, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có buổi họp thảo luận, đánh giá về việc thực hiện thí điểm thẻ BHYT có mã vạch. Tới dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Lê Quang Cường; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh, Nguyễn Minh Thảo.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam về kết quả thực hiện thí điểm thẻ BHYT có mã vạch tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 23/09/2013 đến ngày 04/10/2013 đã cấp 1.179.344 thẻ BHYT có mã vạch trên địa bàn 24 quận, huyện. BHXH thành phố đã thông báo đến các cơ sở y tế, BHXH các tỉnh thành mẫu thẻ có mã vạch và sự tồn tại song sóng của cả hai loại thẻ có mã vạch và không mã vạch một cách linh hoạt đồng thời cung cấp phần mềm xử lý mã hoá cho 103 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Hiện nay đã có 12 cơ sở KCB đã sử dụng phần mềm do BHXH thành phố cung cấp để đọc mã vạch trên thẻ.
Kết quả cho thấy, việc in thẻ BHYT có mã vạch trên phần mềm QLST đã tạo thuận lợi đối với cơ sở khám, chữa bệnh và người dân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh phù hợp với chiến lược phát triển BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, đã tập trung dữ liệu thực hiện in thẻ có mã vạch 02 chiều đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính như quản lý được dữ liệu phát hành thẻ chính xác, giúp phát hiện thẻ giả, giảm khối lượng công tác từ chối thanh toán do nhập sai mã thẻ, tiết kiệm chi phí hành chính… đồng thời giúp cơ sở điều trị quản lý được bệnh nhân khám, chữa bệnh có tham gia BHYT; quyết toán được nhanh chóng và chính xác hơn chi phí điều trị của các bệnh nhân này với cơ quan BHXH qua ứng dụng mã vạch hai chiều in trên thẻ BHYT. Mặt khác, đã phát hiện những sai sót: về dữ liệu trùng thẻ; về sai mã thẻ, sai đối tượng mã hưởng quyền lợi, một người có nhiều thẻ mà trước đây công tác quản lý sổ thẻ chưa kiểm tra được. Việc ứng dụng phần mềm QLST trong công tác quản lý thẻ đã xây dựng được một hệ thống quản lý phân quyền sử dụng theo chức năng nhiệm vụ, xây dựng bảng phân quyền truy cập vào phần mềm tại BHXH thành phố và kiểm soát việc truy cập hệ thống của các BHXH quận, huyện.
Việc in sổ, thẻ trên phần mềm QLST đáp ứng được yêu cầu quản lý, kiểm tra, kiểm tra, kiểm soát việc phát hành cũng như quản lý dữ liệu tập trung toàn thành phố, đòi hỏi phải tuân theo các quy định chuyển dữ liệu. Đã thực hiện được tập trung dữ liệu thu hồi thẻ giảm do ngừng tham gia của toàn thành phố đảm bảo được việc quản lý, kiểm tra và kiểm soát. Thực hiện thống nhất về nghiệp vụ, đòi hỏi tuân thủ các nguyên tắc thao tác nghiệp vụ, tránh được tình trạng tự ý xóa, hủy dữ liệu không đúng quy trình.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo đánh giá: qua thực hiện thí điểm thẻ BHYT có mã vạch đã tạo điều kiện thuận lợi trong cải cách hành chính, tránh tình trạng sai mã thẻ, tiết kiệm chi phí, không ảnh hưởng đến quy trình quản lý thẻ BHYT giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc đề nghị, cần tổ chức triển khai thẻ BHYT có mã vạch trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và Lê Quang Cường đều thống nhất việc thực hiện triển khai thẻ BHYT có mã vạch giúp cho việc cải cách thủ tục hành chính của bệnh viện. Để triển khai thẻ BHYT có mã vạch trên diện rộng đạt kết quả cao, thì Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần thống nhất trong lập kế hoạch tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin, tương thích các phần mềm, ban hành tiêu chuẩn, quy ước chung. Việc mua trang thiết bị, đầu đọc mã thẻ cần thực hiện tập trung, mua với lượng lớn sẽ giảm được chi phí, góp phần vào việc sử dụng quỹ có hiệu quả, cần ban hành tiêu chí của đầu đọc thẻ cho thống nhất. Do chi phí khi triển khai đồng bộ lớn nên cần có lộ trình thực hiện hợp lý.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn còn đề xuất: BHXH Việt Nam cho phép thanh quyết toán một số dịch vụ chẩn đoán hình ảnh bằng file hình ảnh với các đơn vị có trang bị đầu đọc để nhằm tránh lãng phí.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh: Việc thực hiện cấp thẻ BHYT có mã vạch sẽ không làm ảnh hưởng đến quy trình, quản lý thẻ BHYT hiện nay, mà còn giúp việc truy cập nhanh hơn, thuận tiện cho việc tra cứu thông tin. Phó Tổng Giám đốc phân tích: Khi dùng thẻ BHYTcó mã vạch, tại nơi tiếp nhận, người bệnh chỉ cần quẹt thẻ. Các thông số về bệnh nhân sẽ hiện lên trên máy tính. Điều này sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi ở khâu nhập thông tin, tạo điều kiện thuận lợi tra cứu, liên kết thông tin bệnh nhân, giảm thủ tục hành chính. Ngoài ra, với thẻ BHYT có mã vạch, việc quản lý về BHYT sẽ tốt hơn, cũng như ít xảy ra sai sót thông tin về bệnh nhân. Việc triển khai thẻ BHYT có mã xạch đang được BHXH Việt Nam thực hiện, dự kiến bắt đầu triển khai trên toàn quốc từ 01/01/2014./
Đặng Huế
Bảo Hiểm Bảo Việt