Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho biết, một số điều khoản về nguyên tắc bồi thường tại Thông tư 22/2016/TT-BTC đang “vênh” nhau, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận số tiền thực tế chủ xe đã phải trả cho bên thứ 3 theo hóa đơn sửa chữa, từ đó xảy ra tranh chấp.
Cụ thể, Mục 3a, Ðiều 14 – Thông tư 22/2016 quy định: “Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản: Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra do chủ xe thực hiện tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định, hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm”.
Theo ông Xuân, việc trao quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm được chỉ định cơ sở sửa chữa, hoặc trong trường hợp chủ xe sửa chữa bên ngoài thì hóa đơn, chứng từ về việc sửa chữa phải được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm “ép giá” sửa chữa và chỉ phải bồi thường mức giá thấp.
Trong khi đó, Mục b, Ðiều 13 – Thông tư số 22/2016 quy định về nguyên tắc bồi thường nêu rõ: “Mức bồi thường cụ thể đối với thiệt hại về tài sản/một vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới, nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm”.
Lấy dẫn chứng từ thực tế hỗ trợ khách hàng, ông Xuân cho biết, một khách hàng ở Hà Nội tên Xuân Cương mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của Bảo hiểm Quân đội (MIC) gây thiệt hại vỡ đèn cho chiếc xe Mercedes, sửa chữa hết 66 triệu đồng tại hãng. MIC đã hướng dẫn anh Cương vào hãng làm thủ tục, đồng thời hướng dẫn hãng xuất hóa đơn cho MIC. Tuy nhiên, khi bồi thường lại cho anh Cương, MIC đã lấy một đơn báo giá của một đơn vị bên ngoài và chỉ bồi thường cho anh Cương số tiền 35 triệu đồng với lý do “đó là giá thị trường”.
Hay chị Ðiệp ở Ðồng Nai cũng mua bảo hiểm của MIC, sau tai nạn đã phải bồi thường cho bên thứ ba 117 triệu đồng, thỏa thuận dân sự ghi số tiền 99.8 triệu. Lúc đầu, MIC định bồi thường 45 triệu đồng, sau đó, khi khách hàng có đủ căn cứ yêu cầu bồi thường, MIC đã phải bồi thường cho chị Ðiệp 90 triệu đồng.
Anh Nguyễn Hùng, người từng xảy ra tranh chấp tương tự với Bảo hiểm Hàng Không (VNI) chia sẻ, việc doanh nghiệp bảo hiểm lợi dụng quy định để áp đặt khách hàng mà không dựa trên căn cứ thực tế khiến họ mất dần niềm tin đối với công ty bảo hiểm.
Ðể có thể duyệt giá được theo Mục 3a, Ðiều 14 – Thông tư 22/2016, chuyên gia Infair cho biết, doanh nghiệp bảo hiểm phải đưa ra được các bằng chứng như thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên thứ 3 về việc sửa chữa tại cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định; hợp đồng sửa chữa giữa bên thứ 3 và garage mà doanh nghiệp bảo hiểm lấy báo giá; văn bản thống nhất chi phí sửa chữa giữa doanh nghiệp bảo hiểm, cơ sở sửa chữa và bên thứ 3.
“Không có các bằng chứng này mà công ty bảo hiểm chỉ đưa ra một bản báo giá của một bên không liên quan để áp đặt số tiền bồi thường thấp là hành động gian lận”, ông Xuân nhấn mạnh và chia sẻ thêm, đó là chưa kể, theo quy định tại Ðiều 21 – Luật Kinh doanh bảo hiểm, khi hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì phải xử có lợi cho bên mua bảo hiểm.
“Sự việc tương tự còn diễn ra tại nhiều công ty bảo hiểm khác. Chúng tôi ước tính số tranh chấp do các công ty bảo hiểm không chấp nhận số tiền thực tế chủ xe đã phải trả cho bên thứ ba theo hóa đơn sửa chữa chiếm khoảng 80% số vụ bồi thường trách nhiệm dân sự. Do đó, cần sớm sửa đổi bất cập này để hạn chế các tranh chấp, tránh gây thiệt thòi cho khách hàng”, ông Xuân nói.