Đề xuất tăng cường kiểm tra tính tuân thủ của công ty bảo hiểm

Ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) trong bài tham luận tại Hội nghị Tổng giám đốc bảo hiểm phi nhân thọ cuối tuần qua đã đề xuất Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tăng cường công tác kiểm tra tính tuân thủ của các công ty bảo hiểm theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP về quy tắc và biểu phí đã đăng ký với Bộ Tài chính, nhằm giúp thị trường phát triển lành mạnh và hiệu quả.

“Trên thực tế, vẫn còn tồn tại những trường hợp bán sai phí bắt buộc (ví dụ sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc…), bán thấp hơn phí thuần (bảo hiểm vật chất xe…) vì mục tiêu doanh thu. Hành vi nêu trên không chỉ đẩy thị trường vào tình trạng thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả mà còn gây ra những thiệt hại cho chính khách hàng”, ông Thu phân tích.

Cũng theo ông Thu, về vấn đề cơ chế kinh doanh (hoa hồng, khen thưởng, hỗ trợ đại lý…), Bộ Tài chính đã ban hành các quy định cụ thể về mức chi, đồng thời đã có những quy định về việc xử lý vi phạm, tuy nhiên, vấn đề này vẫn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó Bộ Tài chính cần có những quan điểm rõ ràng về vấn đề cơ chế kinh doanh theo 1 trong 2 phương án.

Thứ nhất, yêu cầu tuân thủ hoàn toàn theo các quy định hiện hành, tăng cường công tác kiểm tra để xử lý vi phạm, tăng mức xử lý vi phạm lên cao hơn quy định hiện tại nhằm tăng tính răn đe, buộc công ty bảo hiểm tuân thủ theo quy định.

Thứ hai, nới lỏng quy định về cơ chế kinh doanh để các công ty bảo hiểm tự cân đối hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, cũng theo ông Thu, cần bỏ những quy định liên quan đến giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, để các công ty bảo hiểm có thể cấp đơn online, tạo sự thuận lợi cho việc triển khai sản phẩm này, tăng tỷ lệ tham gia của khách hàng và giảm thiểu các chi phí kinh doanh.

Không phải cho đến nay, mà ngay từ các năm trước, câu chuyện về đảm bảo tăng trưởng hiệu quả, an toàn, bền vững đã được toàn thị trường lưu tâm. Tại Hội nghị CEO bảo hiểm phi nhân thọ diễn ra vào năm ngoái, liên quan đến nội dung quản trị rủi ro, thẩm định rủi ro, đề phòng hạn chế tổn thất và bồi thường bảo hiểm, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh cho biết, một số doanh nghiệp bảo hiểm còn lỗ nghiệp vụ, đặc biệt với các nghiệp vụ như bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu… Mặc dù tỷ trọng doanh thu có tăng (tại các mảng bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới) nhưng hiệu quả không cao, các công ty bảo hiểm cần tập trung làm rõ vấn đề này.

Bên cạnh đó, theo ông Khánh, về quản trị tài chính, trích lập dự phòng nghiệp vụ, đầu tư tài chính, công nợ, ghi nhận giảm trừ doanh thu và chi phí, vẫn còn hiện tượng doanh thu ảo, chi phí thật, đặc biệt là chi phí cho bên thứ ba.

Ngoài ra, ông Khánh cũng cho biết các quy tắc, điều kiện, điều khoản, biểu phí một số nghiệp vụ như sức khỏe, xây dựng lắp đặt, cháy nổ… đều được xây dựng dựa trên các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng còn hiện tượng các công ty bảo hiểm không tuân thủ dẫn đến lỗ nghiệp vụ. Do đó, Cục sẽ tăng cường đảm bảo mọi công ty bảo hiểm không thể phá vỡ thể chế, gây ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tuy nhiên, sau 1 năm, theo ghi nhận từ các thành viên thị trường, các vấn đề đáng lưu tâm kể trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Hiện tại, dù chưa có số liệu thống kê chính thức chi tiết về lỗ lãi nghiệp vụ bảo hiểm nhưng về lỗ lãi trước thuế, 6 tháng đầu năm 2019, số liệu báo cáo nhanh từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ lãi hơn 1.570 tỷ đồng. Trong đó, Bảo hiểm PVI đứng đầu với khoản lãi 315 tỷ đồng. Các doanh nghiệp chịu lỗ gồm: Phú Hưng, AAA, BHV, BSH…

Tổng quan thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 6 tháng năm 2019 (ước tính) 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 25.209 tỷ đồng, tăng trưởng 14%, ước bồi thường 9.101 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường chưa bao gồm dự phòng bồi thường đạt 36%.
Trong đó, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới ước đạt 8.353 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32% tổng doanh thu toàn thị trường, tăng trưởng 18%. Ước bồi thường 4.055 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 49% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Đóng góp lớn thứ hai về doanh thu là bảo hiểm sức khỏe với 7.201 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu toàn thị trường, tăng trưởng 10%, bồi thường 2.181 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 30% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Các vị trí tiếp theo thuộc về bảo hiểm tài sản thiệt hại (doanh thu ước đạt 3.419 tỷ đồng, tỷ trọng 14%); bảo hiểm cháy nổ (doanh thu ước đạt 2.620 tỷ đồng, tỷ trọng 9%), bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (doanh thu ước đạt 1.318 tỷ đồng, tỷ trọng 6%)…
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.